Đà Nẵng: Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế

VOV.VN - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng vẫn loay hoay trong những điểm nghẽn cơ chế, chính sách.

 Trong chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, các Đại biểu Quốc hội đang thảo luận nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Vậy cơ chế đặc thù nào để giúp Đà Nẵng sớm trở thành thành phố “đầu tàu"?

Mới đây, ngày 13 tháng 5 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị Khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Trung bộ và cả nước.

Các chủ trương, Nghị quyết, Quy hoạch của Trung ương đều xác định Đà Nẵng là trung tâm, vai trò hạt nhân của cả vùng  nhưng cơ chế đặc thù có tính vượt trội cho Đà Nẵng bứt phá thì chưa rõ ràng, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Từ thực tiễn sinh động của một thành phố có vai trò “đầu tàu”, Phóng viên VOV miền Trung thực hiện loạt bài: “Cơ chế đặc thù nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”. Bài 1 nhan đề: “Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế”. 

Bài 1: THÀNH PHỐ “ĐẦU TÀU” LOAY HOAY TRONG ĐIỂM NGHẼN CƠ CHẾ

-Theo số liệu gần đây cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng từ năm 2019 đến nay có phần suy giảm. Trong 3 năm qua, mức tăng trưởng trung bình của thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 5,65%; tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt 0,5%; các ngành nghề khác có mức tăng trưởng không như kỳ vọng.

-Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng chưa cao; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Khu vực Công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng giá trị gia tăng (GTGT) giảm dần, giảm từ 24,92% GRDP năm 2011 xuống còn 18,50% GRDP năm 2023. Trong khi đó, khu vực Dịch vụ năm 2023 có GTGT chiếm 70,35% GRDP với các dịch vụ “truyền thống” cũng khó tạo ra sự đột phá về tăng trưởng kinh tế.

-Điểm nghẽn đầu tiên đó là cơ cấu kinh tế Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ Nông nghiệp và mô hình phát triển kinh tế hiện tại của thành phố Đà Nẵng khó tạo ra mức tăng trưởng nhanh, bền vững nếu không có những cơ chế chính sách đột phá, vượt trội.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (năm 2003) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; với những cách làm mới, năng động, sáng tạo, thành phố trẻ Đà Nẵng không ngừng bứt phá, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước. Sau thời kỳ phát triển rực rỡ ấy, Đà Nẵng bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dư địa, nguồn lực phát triển cạn dần, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh tại một đô thị lớn đang phát triển trở thành điểm nghẽn.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Quy mô kinh tế của thành phố còn nhỏ; chênh lệch GRDP bình quân đầu người của thành phố so với bình quân vùng và cả nước đang thu hẹp nhanh; một số điểm nghẽn trong phát triển đô thị chưa được giải quyết”

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, từ năm 2003 đến năm 2018, thành phố Đà Nẵng tận dụng được lợi thế “quỹ đất vàng” khi đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo ra nguồn ngân sách đủ lớn đầu tư cho phát triển hạ tầng. Đến nay, quỹ đất đã hết và nguồn thu cho ngân sách cũng hạn chế:

“Về cơ cấu kinh tế, Đà Nẵng phát triển du lịch rực rỡ với du lịch bất động sản, nhưng nó có giới hạn về thị trường. Do đó phải phát triển và định hướng rất rõ là đi vào công nghiệp, đó là công nghiệp công nghệ cao, là điện tử, viễn thông. Bây giờ ta nói rõ hơn là về công nghiệp bán dẫn, đổi mới sáng tạo”- Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Thực tiễn cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Nghị quyết 43). Nhận thấy dư địa về đất đai ngày càng hạn chế, phát triển du lịch có giới hạn về thị trường mà đóng góp cho tăng trưởng không cao, thành phố Đà Nẵng đã tập trung tái cấu trúc mô hình phát triển kinh tế. Thành phố xác định hướng phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai công nghệ mới trong thu hút đầu tư.

Thế nhưng, trong quá trình đổi mới mô hình kinh tế thì Đà Nẵng lại gặp nhiều vướng mắc về thể chế chính sách. Các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội dành cho Đà Nẵng là rất ít, chưa tạo ra các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thậm chí một số cơ chế chưa thực hiện được trên thực tế.

Và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng vẫn loay hoay trong những điểm nghẽn cơ chế, chính sách. Khi Chính phủ chưa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 43 bằng những nhiệm vụ, giải pháp, nội dung cụ thể đối với các bộ ngành cũng là một trong những điểm nghẽn trong việc phối hợp của thành phố Đà Nẵng với các bộ, ngành, địa phương trong vùng. Đồng thời, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: “Ảnh hưởng lớn đối với thành phố Đà Nẵng là vấn đề đất đai ngày càng hạn chế so với các địa phương khác. Ví dụ như thành phố kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược thì khi họ tới phải có đủ điều kiện về đất đai, vị trí thuận lợi. Ví dụ như một doanh nghiệp lớn muốn đến với Đà Nẵng cần có một diện tích đất đủ lớn cho họ đầu tư thì hiện nay thành phố cũng đang vướng. Những cái nghẽn này sẽ kéo theo những cái nghẽn khác. Khó hơn nữa là khi một doanh nghiệp rất lớn muốn đầu tư, làm ăn lâu dài tại Đà Nẵng thì phải thực hiện đấu thầu đất rất phức tạp nên họ không đến và đi tìm nơi khác”.

Trong tiến trình đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thì cơ chế để thành phố Đà Nẵng đầu tư từ các nguồn khác cũng chưa được khơi thông. Tháng 10/2020, thành phố này khởi công Dự án Khu Công viên phần mềm số 2, dự kiến đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số... Sau nhiều lần kêu gọi đầu tư, đấu giá không thành công, Đà Nẵng quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Vì vậy, dự án Khu Công viên phần mềm số 2 là tài sản công; trong khi đó, các quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Và theo Luật Tài sản công thì không cho phép tài sản đầu tư từ ngân sách nhà nước rồi đem cho thuê.

Điểm nghẽn này làm cho dự án Khu Công viên phần mềm số 2 được xây xong phần thô được đầu tư cả ngàn tỷ đồng hiện vẫn chưa đưa vào sử dụng. Thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ vướng mắc vừa nêu. Mãi đến ngày 01/2/2024, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 09/2024 bổ sung Điều 9a về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng, từ đó điểm nghẽn thể chế mới được tháo gỡ. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại gặp vướng mắc khi các nhà đầu tư muốn vào làm việc tại Khu Công viên phần mềm số 2 phải thông qua đấu giá.

Chuyện loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế, bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói: “Theo Luật Tài sản công hiện nay thì không cho phép đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để đem đi cho thuê. Nghị định số 40 năm 2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144 năm 2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng cũng đã giửi quyết được một phần vướng mắc cho Đà Nẵng”

Còn ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng giải thích như thế này: “Công trình đi vào hoạt động thì ngoài vấn đề giải quyết được điểm nghẽn còn tạo ra không gian phát triển mới, chống lãng phí. Công trình chưa xong nhưng nhu cầu đăng ký sử dụng trong không gian phát triển doanh nghiệp thì đã vượt khả năng cung ứng của Khu Công viên phần mềm số 2. Sở cũng nhận được rất nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước về mở rộng không gian phát triển công viên phần mềm cũng như các chính sách liên quan tới chuyển đổi số và hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên phần mềm này”.

Trong khi dư địa đất đai rất hạn chế thì trong một thời gian dài, rất nhiều dự án, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố bị đình trệ, vướng mắc do liên quan các vụ án, kết luận thanh tra, kiểm toán… ảnh hưởng không nhỏ trong việc thu hút đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư từng gắn bó với Đà Nẵng. Nếu những vướng mắc này được khơi thông sẽ giải phóng nguồn lực phát triển ước tính đến 100.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, thành phố phải tập trung giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án liên quan đất đai nhưng gặp nhiều vướng mắc do vượt thẩm quyền.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đây cũng là điểm nghẽn lớn khiến mức độ tăng trưởng của thành phố bị chững lại: “Đà Nẵng phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, điều tra, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết. Đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn, gây lãng phí, ách tắc trong khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”.

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, đầu tư công của Trung ương dành cho Đà Nẵng giảm 10 phần trăm so với các tỉnh, thành phố khác. Được xác định là thành phố động lực miền Trung nhưng Đà Nẵng còn thiếu các công trình lớn do Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố để tạo động lực mới, dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực cho cả vùng và cả nước. Đối với một số việc mới, phức tạp, cấp thiết, thành phố đã chủ động nghiên cứu, đề xuất nhưng do thiếu các quy định của pháp luật nên chưa nhận được sự đồng ý của các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, nên có những cơ chế đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, tạo động lực mới cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển: “Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết 43 và Nghị quyết 26  trở thành trung tâm vùng của cả nước, thậm chí định hướng phát triển thành 1 thành phố đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 thì rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết 43 đặt ra thì thành phố Đà Nẵng đều không đạt được. Nếu không có các cơ chế đột phá, đặc thù thì Đà Nẵng sẽ không đạt được các  mục tiêu mà Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương đã đặt ra”.

Ngày 13/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bộ Chính trị yêu cầu cần rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban hành để sửa đổi, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; bảo đảm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách cho thành phố Đà Nẵng. 

Giải quyết những điểm nghẽn từ thực tiễn của thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đang cản trở sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh một thành phố du lịch, trung tâm của khu vực miền Trung.

“Về quan điểm thì tôi thấy chính sách ban hành cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của thành phố Đà Nẵng. Thành phố muốn Trung ương tháo gỡ những cái vướng mắc này phải căn cứ vào pháp luật để tháo gỡ, vận dụng như thế nào. Cái nào thuộc về Thủ tướng, Chính phủ thì Chính phủ quyết. Cái nào thuộc về Quốc hội quyết thì quyết định sớm cho Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ngày 31/5/2024 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt một số nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội xem xét cho thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng
Quốc hội xem xét cho thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng

VOV.VN - Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chính sách mang tính đột phá, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng. Việc thí điểm Khu thương mại tự do sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Quốc hội xem xét cho thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng

Quốc hội xem xét cho thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng

VOV.VN - Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chính sách mang tính đột phá, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng. Việc thí điểm Khu thương mại tự do sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Bí thư Đà Nẵng: "Biết có rủi ro nhưng chấp nhận khu thương mại tự do"
Bí thư Đà Nẵng: "Biết có rủi ro nhưng chấp nhận khu thương mại tự do"

VOV.VN - Thảo luận tại Tổ về đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, đây là vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thành công sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thành phố sẽ gánh chịu.

Bí thư Đà Nẵng: "Biết có rủi ro nhưng chấp nhận khu thương mại tự do"

Bí thư Đà Nẵng: "Biết có rủi ro nhưng chấp nhận khu thương mại tự do"

VOV.VN - Thảo luận tại Tổ về đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, đây là vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thành công sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thành phố sẽ gánh chịu.