Gia Lai: Cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Hồ Văn Điềm

VOV.VN - Tại kỳ họp thứ 15, khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Gia Lai đã xem xét đề xuất và thông qua tờ trình cho ông Hồ Văn Điềm thôi nhiệm vụ đại biểu theo nguyện vọng cá nhân.

Chiều nay, ngày 6/12, tại kỳ họp Thứ 15, khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Gia Lai đã xem xét đề xuất và thông qua tờ trình cho ông Hồ Văn Điềm- Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh. 

Theo tờ trình số 594/TTr-HĐND ngày 5/12/2023 của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai cho biết xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 4 tháng 12 năm 2023 của ông Hồ Văn Điềm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đơn vị huyện Mang Yang.

Lý do thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo nguyện vọng cá nhân. Sau khi xem xét tờ trình, HĐND tỉnh Gia Lai đã thống nhất nghị quyết thông qua tờ trình.

Cà Mau: Đại biểu HĐND có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất 9 phiếu

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất  47/48 phiếu. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có 41 phiếu tín nhiệm cao.

Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong đợt lấy phiếu tín nhiệm này là 9 phiếu tín nhiệm thấp.

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đầy đủ, đánh giá thực chất kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Ông Hải cũng đề nghị những người được lấy phiếu tín nhiệm cần tiếp tục phát huy mặt ưu điểm và khắc phục các mặt còn tồn tại, hạn chế; tiếp tục rèn luyện để nâng cao năng lực công tác, thực hiện tốt hơn chức trách nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Đặc biệt, những người có số phiếu tín nhiệm cao còn ít và số phiếu không tín nhiệm còn nhiều phải phấn đấu nhiều hơn để đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu, từ đó nâng cao sự tín nhiệm của cử tri.

HĐND Hải Phòng bàn giải pháp đưa kinh tế thành phố “tăng tốc, bứt phá”

Kinh tế - xã hội TP Hải Phòng năm 2023 tăng trưởng cao với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đây là nội dung được đưa ra trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hải Phòng khóa XVI diễn ra sáng nay (6/12). 

Năm 2023, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, song TP Hải Phòng tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 102.614 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 42.500 tỷ đồng, bằng gần 136% dự toán Trung ương giao; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.

Thành phố đã vận động hiệu quả các tổ chức quốc tế để UNESCO công nhận Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, tình hình kinh tế - xã hội thành phố năm 2023 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Có 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt kế hoạch. Đó là tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP; tổng thu ngân sách trên địa bàn và sản lượng hàng hóa qua cảng. Đặc biệt, thu xuất nhập khẩu giảm so với năm 2022 và thấp hơn kế hoạch; tiến độ giải phóng mặt bằng việc lập hồ sơ và phê duyệt dự án một số còn chậm nên mới khởi công, khánh thành 6/18 dự án quan trọng trong năm 2023.

Năm 2024, TP Hải Phòng chọn chủ để năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”. Thành phố đặt mục tiêu kinh tế năm 2024 tăng khoảng 11,5% - 12% so với năm 2023; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 106.761 tỷ đồng... và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm phải “tăng tốc, bứt phá” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố. Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị HĐND thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tăng tốc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu yêu cầu, tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết cần hoàn thành từ nay đến hết nhiệm kỳ, trọng tâm là: Thành lập Khu kinh tế thứ 2 và Khu thương mại tự do tại khu vực Phía Nam Thành phố, nhằm phát huy lợi thế về dư địa phát triển, đất đai, tuyến đường bộ cao tốc ven biển. Thứ hai là triển khai Nghị quyết của Thành ủy về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố; Chúng ta phấn đấu Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu trên cả nước với 3 đặc trưng ưu việt về “Vị trí - Chất lượng - Giá cả”.

Ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị HĐND TP và các ban ngành, địa phương thành phố tập trung hoàn thành Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; Thành lập các khu, cụm công nghiệp mới, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng các quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư lớn...

Tại kỳ họp này, HĐND TP Hải Phòng cũng xem xét, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024; Mức thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại các giải thể thao quốc gia; Chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế thành phố; Giảm phí, lệ phí cho các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Đặc biệt, HĐND TP Hải Phòng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND TP bầu; miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND TP theo luật định...

Quảng Ninh đạt tăng trưởng “2 con số” 9 năm liên tiếp

Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%, lần đầu tiên đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước.

Kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt tăng trưởng cao và ổn định, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh khoá XIV khai mạc vào sáng nay (6/12). GRDP năm 2023 của tỉnh ước đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, trong đó khu vực Công nghiệp – Xây dựng và Dịch vụ đều tăng xấp xỉ 12%. Khách du lịch tới Quảng Ninh đạt 15,5 triệu lượt, doanh thu tăng gần 50%.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư thu hút trong và ngoài nước vào địa bàn đạt 5 tỷ USD, trong đó vốn FDI đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3 lần kế hoạch năm và hiện đang dẫn đầu cả nước. Hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đi vào hoạt động hiệu quả, nhất là trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và không còn hộ nghèo theo tiêu chí trung ương giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều cao gấp 1,4 lần so với toàn quốc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu…

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, diện mạo một Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại ngày càng rõ nét với 6 đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hoá đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”. Có thể khẳng định Quảng Ninh đã tận dụng tốt cơ hội, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là đoàn kết, giữ vững sự ổn định, đổi mới và phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả hơn; tiếp tục giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Ninh tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với những mục tiêu đột phá. Cùng với đó là quyết nghị một số chính sách đặc thù hỗ trợ nhiều đối tượng để bảo đảm an sinh xã hội, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của nhân dân. Đáng chú ý có nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu, thực hiện quy trình bầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp sẽ diễn ra đến hết ngày 8/12.

Tiền Giang, Bến Tre nhiều chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Hôm nay (6/12), HĐND tỉnh  Bến Tre và Tiền Giang tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 11. Điều đáng ghi nhận tại kỳ họp này là việc thực hiện nhiều chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đưa ra đã đạt và vượt trong điều kiện rất khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, năm nay tỉnh Bến Tre có 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt, chỉ còn 06 chỉ tiêu chưa đạt. Đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 5,16%, trong đó khu vực I tăng 2,47%, khu vực II tăng 9,25% và khu vực III tăng 5,45%, Tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá.

Trong năm, có 55 dự án, công trình khởi công mới; dự kiến đến cuối năm có 252 dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều công trình có quy mô lớn đang được triển khai khẩn trương như: cầu Rạch Miễu 2, cống Thủ Cửu, cống Cái Quao, cống Tân Phú, cống Bến Rớ, cống An Hóa. Toàn tỉnh đã phát triển hơn 3.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại. Năm 2023 có ít nhất 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới,14 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu; huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn huyện NTM; phấn đấu huyện Châu Thành, Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM; huyện Chợ Lách cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Năm nay, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang đạt hơn 5,72%; trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,3%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,7% và khu vực dịch vụ tăng 5,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 4,6 tỷ USD, vượt 18,3% kế hoạch, tăng 12,9% so cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 10.182 tỷ đồng. Tiền Giang đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút được 20 nghìn tỷ đồng, tăng 5 dự án so năm ngoái; đầu tư công đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh luôn đứng ở nhóm những địa phương có thứ hạng khá cao trong cả nước. Tiền Giang đã có 142/142 xã nông thôn mới; 50 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; dự kiến cuối năm sẽ có 6/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh  cuối năm, UBND tỉnh Tiền Giang cũng nêu ra các nguyên nhân những mặt hạn chế và các giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn đối với các tiêu chí chưa đạt Nghị quyết và phấn đấu thực hiện đạt cao hơn trong năm tới.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2024 tình hình suy thoái kinh tế thế giới, những diễn biến phức tạp của thiên tai sẽ gây khó khăn đến vấn đề phát triển KT-XH của tỉnh nên cần có sự nỗ lực cao hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh: “Trên cơ sở của những dự báo về thuận lợi, khó khăn tác động đến kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2024, UBND tỉnh quyết tâm, nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, đưa các giải pháp cụ thể, khả thi, chủ động triển khai ngay từ cuối năm 2023. Từ đó tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo”.

Tây Ninh còn 7/20 chỉ tiêu KT-XH năm 2023 chưa đạt

Sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X khai mạc kỳ họp thứ 10. Dự kiến thực hiện phát triển  kinh tế- xã hội năm 2023, Tây Ninh có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, GRDP ước tăng 5,5% và có xu hướng phục hồi, thu ngân sách ước đạt 11.000 tỷ đồng- đạt 100% dự toán được giao, du lịch đón 5,1 triệu lượt khách với tổng doanh thu 2.000 tỷ đồng (kế hoạch là 1.800 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, Tây Ninh còn 7/20 chỉ tiêu phát triển cơ bản năm 2023 không đạt, như: xuất khẩu giảm đáng kể, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, đầu tư tư nhân trong nước còn nhiều khó khăn; một số công trình trọng điểm triển khai chậm so với tiến độ đề ra…

Tại kỳ họp cuối năm này, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị các đại biểu phân tích, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến kết quả đạt được.

 Riêng về công tác lấy phiếu tín nhiệm thực hiện trong kỳ họp này, ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị, đây là nội dung hết sức quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đề nghị đại biểu HĐND tỉnh đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Tây Ninh diễn ra trong 3 ngày. Các đại biểu sẽ xem xét quyết nghị 29 nghị quyết quan trọng; thực hiện chương trình giám sát; chất vấn và trả lời chất vấn.

HĐND Trà Vinh khai mạc Kỳ họp thứ 12, khóa X năm 2023

Sáng ngày 6/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 12 năm 2023.

Kỳ họp nhằm đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2024; xem xét kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; xem xét, cho ý kiến các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; phân bổ dự toán ngân sách, phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2024; thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Trà Vinh (mở rộng) đến năm 2030... Đồng thời, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Kim Ngọc Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh cho biết, kỳ họp sẽ thảo luận sâu, bàn các biện pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, đặc biệt chương trình sẽ dành nhiều thời gian chất vấn, trả lời chất vấn đối với các vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc, quan tâm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri tại 02 điểm cầu có nghiên cứu, tổng hợp, nêu nội dung chất vấn, đúng và trúng những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các sở, ngành, UBND tỉnh cần nghiên cứu, nắm chắc tình hình để chuẩn bị trả lời chất vấn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, năm 2023 tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 23/23 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 8,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 81 triệu đồng/năm, vượt 5,79 triệu đồng so với Nghị quyết.

Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày và bế mạc vào ngày 8/12 tới.

Chiều cùng ngày HĐND tỉnh Trà Vinh đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 34 chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả, ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất 45/47 phiếu; đứng thứ hai là ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh với số phiếu tính nhiệm cao 42/47 phiếu, trong khi người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là 8/47 phiếu.

Phát biểu sau khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh cho rằng, đây kết quả của quá trình thực hiện một cách thận trọng, nghiêm túc và có trách nhiệm. Các vị đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan và thể hiện chính kiến của mình với vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đồng thời nhấn mạnh, kết quả này sẽ giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Đây là một biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum với nhiều nội dung quan trọng

Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, sáng nay (6/12), tại thành phố Kon Tum, HĐND tỉnh Kon Tum khai mạc Kỳ họp thứ 6, Khóa XII nhiệm kỳ 2021- 2026 với nhiều nội dung quan trọng. 

Diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ hôm nay đến ngày 8/12, Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Kon Tum xem xét 63 nội dung, trong đó có 37 báo cáo và 26 tờ trình.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kon Tum tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 34 người do Hội đồng nhân dân bầu để đại biểu, cử tri đánh giá kết quả công tác, mức độ tín nhiệm đối với từng người mà mình đã bầu ra; thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên UBND tỉnh, người đứng đầu một số địa phương, đơn vị đối với 9 vấn đề đang được đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm, như: công tác quy hoạch, bồi thường khi giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; công tác triển khai thực hiện và bố trí dân cư tại một số điểm tái định cư; tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở một số doanh nghiệp... 

Về tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 của tỉnh Kon Tum, tại phiên khai mạc kỳ họp sáng nay, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum khẳng định, trong năm 2023, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu quan trọng có tốc độ tăng khá cao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tốc độ tăng tổng sản phẩm chưa đạt mục tiêu đề ra là 10%; thu ngân sách ước đạt 93,3% kế hoạch mà HĐND tỉnh đã giao; chi ngân sách địa phương ước đạt 83,7%; giải ngân vốn đầu tư công dự báo không đạt kế hoạch đề ra”. 

Tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và các báo cáo chuyên đề của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Kon Tum sẽ thảo luận, ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 của tỉnh.

Gia Lai: Kỳ họp HĐND giải quyết nhiều công việc quan trọng

Sáng 6/12, HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc kỳ họp thứ XV, khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp cuối năm có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bỏ phiếu tín nhiệm 27 chức danh do HĐND tỉnh bầu. Kỳ họp có sự tham dự của  ông Y Thanh Hà Niê Kdăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. 

Theo đánh giá tại kỳ họp, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Gia Lai vẫn duy trì được sự ổn định. Nhiều ngành khôi phục và tăng trưởng hơn so với cùng kỳ; 14/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định.

Dự kiến trong 3 ngày diễn ra  kỳ họp, từ 6/12 đến 8/12, HĐND tỉnh Gia Lai sẽ xem xét các báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng năm 2024 của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và tình hình thực hiện hoạt động tư pháp, công tác xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Đặc biệt, kỳ họp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh được HĐND tỉnh bầu; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Y Thanh Hà Niê Kdăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mong muốn HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục kiên trì, quyết liệt trong triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội; tháo gỡ điểm nghẽn thực hiện tốt nhiệm vụ; tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân đầu tư công; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phòng chống tham nhũng; Đồng thời, mong muốn các đại biểu thể hiện trách nhiệm trong đánh giá tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu, thể hiện trách nhiệm với Nhân dân và cử tri.

“Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh. Sự kiện này là dịp để các đồng chí được lấy phiếu đánh giá lại mình qua nửa nhiệm kỳ, sự khẳng định các cam kết khi được bầu. Đồng thời cũng là dịp để các đại biểu HĐND xem xét, thể hiện trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Tôi tin tưởng rằng, với kết quả đạt được tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ khẳng định được vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở tỉnh Gia Lai" - ông Y Thanh Hà Niê Kdăm nói.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định có phiếu "tín nhiệm cao" nhiều nhất

Kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đã thông qua Nghị quyết kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 chức danh do Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 bầu hoặc phê chuẩn.

Đối với khối Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh  Bình Định có phiếu "tín nhiệm cao" nhiều nhất gồm: 51 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 98,1%); 1 phiếu tín nhiệm (chiếm 1,9%) và không có phiếu tín nhiệm thấp. ­

Đối với khối UBND tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất gồm: 47 phiếu "tín nhiệm cao" (chiếm 90,4%); 5 phiếu “tín nhiệm” (chiếm 9,6%) và không có phiếu “tín nhiệm thấp”.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Ngoại vụ có phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều nhất trong đợt lấy phiếu tín nhiệm đợt này với 5 phiếu “tín nhiệm thấp” (chiếm 9,6%). 

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách của cán bộ.

HĐND Nghệ An: Thảo luận nhiều nội dung được cử tri quan tâm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, chiều nay (6/12) các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường. Nhiều ý kiến quan tâm đến dự án chậm tiến độ, sử dụng đất nông lâm trường, chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Chỉ ra hàng loạt dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Quế Phong và thành phố Vinh, đại biểu Mong Văn Tình và Trần Thị Khánh Linh nêu quan điểm: "Đến thời điểm hiện nay tất cả các dự án chưa được triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó có dự án quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng do Công ty cổ phần đầu tư tài chính và bất động sản Việt đã quá thời hạn cho phép của Ubnd tỉnh cho phép là 24 tháng. Đề nghị Ubnd tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan rà soát lại tính khả thi của các quy hoạch trên".

"Về các dự án chưa triển khai xây dựng có Dự án bến xe Vĩnh cũ; Dự án nhà ở Hanico 30 Hà Nội ở Cty 482 cũ; về dự án chậm tiến độ có Khu thương mại, dịch vụ gắn với nhà ở trụ sở làm việc của công ty 492; khu văn phòng chung cư và nhà ở liền kề của công ty 465; khu nhà ở liền kề thuộc dự án tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở đô thị tại 215 Lê Lợi của Tổng công ty giao thông 4. Các dự án này thì ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn Phương cũng như của toàn thành phố thì đề nghị các sở, ngành liên quan làm rõ về các dự án này."

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở KHĐT Nghệ An cho rằng, từ 2022 đến nay đã kiểm tra 823 lượt dự án, chấm dứt 163 dự án chậm tiến độ. Luỹ kế đến nay đã thu hồi 267 dự án, 120 nghìn ha đất được thu hồi" "Bất kỳ các dự án nào chậm tiến độ trên địa bàn thì chúng tôi sẽ tổng hợp lại và chia thành 3 hình thức. Dự án nào mà đang trong quá trình chủ trương đầu tư, chưa giao đất, chưa triển khai xây dựng thì giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn để kiểm tra. Dự án nào đã giao đất thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường; dự án nào mà đang triển khai xây dựng thì Sở Xây dựng làm Trưởng đoàn kiểm tra các dự án này. Quan điểm ấy là sẽ phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật".

Liên quan đến vấn đề triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại biểu Phan Thị Minh Lý đặt vấn đề về tính khả thi khi chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên và trang thiết bị phục vụ việc dạy và học

Đại biểu Phan Thị Minh Lý cảm thấy rất lo ngại vì những khiếm khuyết như vậy trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nó sẽ khiến cho một số các thế hệ học sinh của chúng ta không được đáp ứng đầy đủ về sự giáo dục. Theo chương trình giáo dục này thì nó phải là toàn diện cả về kỹ năng và phẩm chất. Vậy thì đề nghị làm rõ hơn về những giải pháp để kịp thời khắc phục những hạn chế đó

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thừa nhận, về thực hiện chương trình mới theo đúng các trường sư phạm đào tạo giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của các môn học mới như: lịch sử, khoa học tự nhiên, âm nhạc, mỹ thuật, rồi kinh tế pháp luật... Ủy ban tỉnh đã cấp ngân sách 1 năm đến khoảng 25 tỷ để bồi dưỡng giáo viên trực tiếp đứng lớp qua phối hợp với các trường sư phạm. Cho nên có thể nói đội ngũ giáo viên của Nghệ An rất chắc tay khi triển khai chương trình mới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành
Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành

VOV.VN - HĐND các tỉnh, thành tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với hàng loạt chức danh do HĐND bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai kịp thời.

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành

Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các tỉnh, thành

VOV.VN - HĐND các tỉnh, thành tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với hàng loạt chức danh do HĐND bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai kịp thời.

Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh do HĐND thành phố Hà Nội bầu
Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh do HĐND thành phố Hà Nội bầu

VOV.VN - Sáng 6/12, HĐND thành phố Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả các chức vụ do HĐND Thành phố bầu đối với 28 người giữ chức vụ thuộc HĐND, UBND thành phố Hà Nội được lấy phiếu tín nhiệm.

Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh do HĐND thành phố Hà Nội bầu

Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh do HĐND thành phố Hà Nội bầu

VOV.VN - Sáng 6/12, HĐND thành phố Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả các chức vụ do HĐND Thành phố bầu đối với 28 người giữ chức vụ thuộc HĐND, UBND thành phố Hà Nội được lấy phiếu tín nhiệm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM: Làm tốt lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ
Bí thư Thành ủy TP.HCM: Làm tốt lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ

VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sáng nay (6/12), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND TP cần làm tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở đánh giá cán bộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM: Làm tốt lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ

Bí thư Thành ủy TP.HCM: Làm tốt lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ

VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sáng nay (6/12), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND TP cần làm tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở đánh giá cán bộ.