20 năm, người dân ở TP.HCM đã quen với chương trình "Bình ổn thị trường"

VOV.VN - 20 năm qua, Chương trình Bình ổn thị trường đã tạo nguồn cung hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu người dân TP.HCM. Thời gian tới, TP.HCM có nhiều giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng quy mô chương trình bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chế biến sâu.

Nguồn hàng bình ổn đủ sức điều tiết thị trường

Gia đình bà Nguyễn Hồng Thu, sinh sống ở TP.Thủ Đức đa số làm công nhân, thu nhập hạn chế nên phải luôn chi tiêu tiết kiệm. Nhiều năm nay khi mua thực phẩm hay cặp học sinh, dược phẩm, sản phẩm phòng chống dịch bệnh…, bà Thu đều đến các điểm bán hàng bình ổn vì giá rẻ hơn từ 5-10% so với nơi khác.

“Điều thuận lợi đối với tôi là ra khỏi nhà không bao xa đã có các điểm bán hàng như Vissan, Satra, Co.op Mart... rất thuận tiện cho tôi để mua sắm hàng hóa bình ổn giá. Qua đó, cũng giảm được đáng kể chi phí trong gia đình và yên tâm về chất lượng hàng hóa”, bà Nguyễn Hồng Thu nói.

Hiện nay, TP.HCM có 10.900 điểm bán hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị. Nhiều mặt hàng bình ổn chiếm từ 19-79% lượng hàng hóa của thị trường, đủ sức điều tiết thị trường khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Danh mục và số lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường cũng tăng lên. Từ 1 nhóm hàng lương thực, thực phẩm ban đầu, giờ đây chương trình có 8 nhóm hàng thiết yếu, như: gạo, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường, rau củ và các mặt hàng phục vụ năm học mới. Gần đây, chương trình được bổ sung thêm nhóm mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Từ nguồn vốn ngân sách ban đầu 45 tỷ đồng, năm 2002 doanh thu chương trình bình ổn đạt 344 tỷ đồng và hiện nay đã được xã hội hóa hoàn toàn, năm nay đạt doanh thu gần 22.400 tỷ đồng.

Tăng cường kiểm soát hàng hóa

Chương trình bình ổn thị trường tạo sức lan tỏa mạnh, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn Thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, những lúc thị trường biến động giá, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng gom hàng bình ổn bán ra thị trường hưởng chênh lệch giá.

“Những giai đoạn cao điểm, biến động thị trường, chúng tôi mong cơ quan chức năng kiểm soát tốt hệ thống phân phối, đừng để khách vào các kênh phân phối hàng bình ổn mua với số lượng lớn hàng hóa rồi mang ra bên ngoài bán với giá cao”, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chuyên cung cấp trứng gia cầm và các sản phẩm trứng gia cầm đề xuất.

Để chương trình bình ổn thị trường ngày càng phát triển, Hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn để ứng dụng khoa học công nghệ chế biến sâu những sản phẩm nông nghiệp phục vụ chương trình bình ổn. Bên cạnh đó, để thuận lợi cho việc phát triển vận chuyển, lưu thông, lưu trữ hàng hóa, Thành phố cần hỗ trợ cần phát triển hệ thống kho lưu trữ, cơ sở hạ tầng logistics.

“Thành phố tiếp tục đưa các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn tham gia chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố. Hoạt động kích cầu này không chỉ dừng lại ở các đơn vị sản xuất mà cần quan tâm hơn các doanh nghiệp lĩnh vực logistics, đặc biệt Thành phố đang rất yếu về năng lực tồn trữ, hệ thống kho đông, kho mát, kho lạnh và hệ thống vận chuyển”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị.

Để nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sắp tới, Sở tập trung chuẩn bị nguồn cung, bổ sung những mặt hàng mới phát sinh theo nhu cầu cuộc sống. Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về nguồn hàng và phân phối. Đồng thời, Thành phố cũng đang phát triển cơ sở hạ tầng  thương mại, đẩy mạnh triển khai đề án logistics.

Liên kết chế biến sâu

Hiện nay, chương trình này đã tạo sự liên kết khá chặt chẽ với các tỉnh, thành trong cả nước về vùng nguyên liệu.  Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, thời gian tới sự liên kết phải tập trung hướng đến chất lượng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu chuyên canh gắn với chế biến sâu. Thời gian tới, không chỉ liên kết vùng nguyên liệu mà TP.HCM sẽ kết nối chặt chẽ với các địa phương khác, ở tất cả các khâu như sản xuất, chế biến, tiêu dùng, giao thông, lưu thông hàng hóa.

“Làm sao chúng ta chuyển cho được nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp hiệu quả, gắn  kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với hoạt động thương mại trong nước, xuất khẩu cho chương trình trong giai đoạn tới. Chúng ta bắt kịp các xu hướng  phát triển các xu hướng khoa học, công nghệ,  phương thức vận hành thị trường, ví dụ như: ứng dụng thành tựu  khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và ứng dụng thương mại điện tử”, ông Phan Văn  Mãi nêu vấn đề.

Qua 20 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã phát huy rõ hiệu quả. Thành phố chủ động ổn định được nguồn cung, kiểm soát được giá hàng tiêu dùng thiết yếu trong lúc thị trường biến động. Chính vì vậy, chỉ số giá  tiêu dùng (CPI) của TP.HCM thường thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, để chương trình nâng cao hiệu quả và phát triển chiều sâu về chất lượng thì TP.HCM cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác này với các địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hơn 1.500 tỷ đồng bình ổn thị trường Đắk Lắk dịp Tết
Hơn 1.500 tỷ đồng bình ổn thị trường Đắk Lắk dịp Tết

VOV.VN - Nhằm đảm bảo bình ổn giá cả thị trường nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã dành hơn 1.500 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu.

Hơn 1.500 tỷ đồng bình ổn thị trường Đắk Lắk dịp Tết

Hơn 1.500 tỷ đồng bình ổn thị trường Đắk Lắk dịp Tết

VOV.VN - Nhằm đảm bảo bình ổn giá cả thị trường nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã dành hơn 1.500 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu.

Chương trình bình ổn thị trường góp phần kềm chế lạm phát
Chương trình bình ổn thị trường góp phần kềm chế lạm phát

VOV.VN - Bình ổn giá đã ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá tùy tiện... qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát.

Chương trình bình ổn thị trường góp phần kềm chế lạm phát

Chương trình bình ổn thị trường góp phần kềm chế lạm phát

VOV.VN - Bình ổn giá đã ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá tùy tiện... qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát.

Tăng giá hàng hóa thiết yếu ở TP.HCM: DN "gồng mình" giữ giá bình ổn thị trường
Tăng giá hàng hóa thiết yếu ở TP.HCM: DN "gồng mình" giữ giá bình ổn thị trường

Một số doanh nghiệp và nhà phân phối tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM vẫn đang nỗ lực kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Tăng giá hàng hóa thiết yếu ở TP.HCM: DN "gồng mình" giữ giá bình ổn thị trường

Tăng giá hàng hóa thiết yếu ở TP.HCM: DN "gồng mình" giữ giá bình ổn thị trường

Một số doanh nghiệp và nhà phân phối tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM vẫn đang nỗ lực kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.