Dự án chậm làm hạ tầng xã hội, người dân bức xúc trong mòn mỏi!

VOV.VN - Đổi đất để lấy hạ tầng xã hội là công viên, hồ điều hòa và trường học liên cấp nhưng chủ đầu tư dự án chỉ tập trung vào khu vực nhà ở thương mại mà đang chậm tiến độ các công trình hạ tầng xã hội.

Dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ tại phường Mễ Trì và Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gần hoàn thiện khối nhà thương mại để bàn giao. Tuy nhiên, khu vực hạ tầng cây xanh, hồ điều hòa, trường học thì vẫn chưa được triển khai theo tiến độ.

Người dân mòn mỏi chờ đợi hạ tầng xã hội

Khi có chính sách thu hồi đất để phục vụ cho việc xây dựng công viên, trường học đa số người dân hai phường Mễ Trì và Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều hưởng ứng chủ trương này và đồng thuận giao đất. Người dân mong chờ một công viên hồ điều hòa theo quy hoạch là hơn 14 ha cùng trường học liên cấp sẽ góp phần cải thiện được hạ tầng xã hội trong khu vực vốn đã bí bách lâu nay.

“Người dân rất mong muốn triển khai dự án nhanh, nhất là công viên cây xanh hiện rất thiếu phục vụ cộng đồng. Môi trường giờ rất bụi bẩn nên rất cần hồ điều hòa, cây xanh để cân bằng sinh thái tạo môi trường sống tốt cho người dân. Công viên cây xanh còn là nơi để nhân dân tập thể dục, hóng mát sinh hoạt cộng đồng” - ông Nguyễn Văn Hải người dân phường Mễ Trì nêu ý kiến.

UBND thành phố Hà Nội cũng bỏ ra khu đất vàng mặt đường Lê Quang Đạo, Mễ Trì và Châu Văn Liêm (quận Nam Từ Liêm) cho chủ đầu tư làm nhà ở thương mại để đổi lấy công trình hạ tầng, theo tiến độ yêu cầu khi triển khai dự án là hồ điều hòa và công viên thực hiện thi công trước; trường học liên cấp nhà ở thương mại được thi công sau và cùng đưa vào khai thác.

Hiện tại trên công trường, trái ngược với khối nhà ở thương mại đang được gấp rút hoàn thiện thì khu đất làm công viên hồ điều hòa mà người dân trong khu vực mong chờ dường như bị chủ đầu tư bỏ không. Toàn bộ khu vực làm công viên và hồ điều hòa đã được quây tôn, phía trong là mặt bằng trống, không bóng công nhân, phương tiện máy móc làm việc.

Ông Đỗ Đức Thông - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì thừa nhận thực tế: “Công viên hiện tại họ (chủ đầu tư) đang triển khai nhưng nếu theo cam kết tiến độ thì không thể đảm bảo được, theo đánh giá của tôi thì nhà thầu không kịp tiến độ theo yêu cầu của thành phố”.

Nhu cầu về trường học, công viên cây xanh trong khu vực đang là bức thiết, xung quanh không có công viên nào, hệ thống trường học thì vẫn luôn cần, ông Đỗ Đức Thông cho biết thêm.

So với phân kỳ đầu tư dự án thành phố Hà Nội phê duyệt công viên cây xanh đã chậm tiến độ 2 năm (yêu cầu hoàn thành vào quý 1 năm 2019).

Đổi đất lấy hạ tầng nhưng hạ tầng chậm triển khai

Dự án “Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ” quy mô rộng hơn 20 ha. Theo phê duyệt của cơ quan quản lý, công trình cao nhất tại dự án là khối chung cư 44 tầng với 762 căn hộ. Chính phủ đã cho phép thành phố Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ định. Tháng 7/2015, Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh (Công ty Mai Linh) trở thành chủ đầu tư mới của dự án.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.460 tỷ đồng từ vốn góp chủ sở hữu và vốn huy động các nguồn khác, trong đó: vốn tự có của chủ đầu tư 669 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác 3.791 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư. Dự án được khởi động thi công khu vực nhà ở thương mại từ năm 2019.

Theo quyết định số 1208 ngày 20/2/2017 của UBND TP. Hà Nội về chủ trương đầu tư cho dự án yêu cầu rõ về tiến độ: “Khu công viên giải trí quý 1 năm 2019 hoàn thành đưa vào khai thác; khu hỗn hợp nhà ở, thương mại, trường học quý 1 năm 2022 đưa vào khai thác sử dụng”.

Quyết định số 1583 của UBND thành phố Hà Nội (ngày 3/4/2018) đã giao cho chủ đầu tư dự án 17,1 ha đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong đó có 13,7 ha đất để làm công viên cây xanh, 3.264 m2 để xây dựng trường mầm non, 4.508 m2 để xây dựng trường trung học cơ sở.

Như vậy, quỹ đất sạch để chủ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội đã có, việc chậm triển khai hạ tầng xã hội mà chú trọng tập trung vào công trình thương mại (khu nhà ở thương mại đã xây đến tầng 44) trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Trách nhiệm về giám sát tiến độ của dự án, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho đơn vị nào? Có sự “lơ là” trong kiểm tra tiến độ của dự án theo quyết định chủ trương đầu tư không? VOV.VN sẽ tiếp tục đề cập ở các bài viết sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự án The Matrix One: Hạ tầng xã hội bao giờ được triển khai?
Dự án The Matrix One: Hạ tầng xã hội bao giờ được triển khai?

VOV.VN - Khối chung cư thương mại của dự án được thi công gấp rút, trong khi đó khu đất xây hạ tầng xã hội, trường học và công viên chưa được xây dựng.

Dự án The Matrix One: Hạ tầng xã hội bao giờ được triển khai?

Dự án The Matrix One: Hạ tầng xã hội bao giờ được triển khai?

VOV.VN - Khối chung cư thương mại của dự án được thi công gấp rút, trong khi đó khu đất xây hạ tầng xã hội, trường học và công viên chưa được xây dựng.

Hà Nội: 8.000 người dân thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu
Hà Nội: 8.000 người dân thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu

VOV.VN - Toàn thành phố hiện có 373 dự án xây dựng nhà ở nhưng hiếm có khu đô thị nào hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội.

Hà Nội: 8.000 người dân thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu

Hà Nội: 8.000 người dân thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu

VOV.VN - Toàn thành phố hiện có 373 dự án xây dựng nhà ở nhưng hiếm có khu đô thị nào hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội.

Chung cư cao tầng trong nội đô phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội
Chung cư cao tầng trong nội đô phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội

VOV.VN - ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, chung cư hiện đại là cần thiết nhưng phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội, kỹ thuật để giảm thiểu hệ luỵ phát sinh

Chung cư cao tầng trong nội đô phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội

Chung cư cao tầng trong nội đô phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội

VOV.VN - ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, chung cư hiện đại là cần thiết nhưng phải gắn với phát triển hạ tầng xã hội, kỹ thuật để giảm thiểu hệ luỵ phát sinh