Đại biểu Quốc hội: "Sức khỏe" của doanh nghiệp cần được quan tâm đặc biệt

VOV.VN - Các Đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp, đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh các DN trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 còn gặp khó khăn, nhiều DN đã phải rút lui khỏi thị trường, số DN thành lập mới quá thấp ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, việc tạo điều kiện để các DN ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng.

Tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp

Thực tế trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 86.400 DN rút lui khỏi thị trường, bình quân có khoảng trên 21.600 DN rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm thấp hơn so với DN rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 27/5 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu cho thấy, trong tháng 5 này tình hình đăng ký DN có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 DN, tăng 9,2% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường là 11.400 DN.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được coi là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề cập, nếu tính chung cả 5 tháng, số DN rút lui khỏi thị trường là 97.299 DN, tăng 10,5%, còn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, bởi khi DN phát triển đất nước mới phát triển. Nhưng trước những con số biết nói như trên, DN khó khăn chúng ta phải hành động và đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho DN hoạt động trong đó cần hết sức lưu ý đến vấn đề tín dụng đối với DN”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.

Củng cố, tạo dựng niềm tin của DN trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm như nhiệm vụ trên hết là quan điểm của đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu). Đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 68.400 DN rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023; nhưng tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp. Đến đầu tháng 4, tăng trưởng chỉ ở mức 1,6%, cho thấy khả năng tiếp cận vốn của DN và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Chính phủ cần khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp DN vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho DN”, đại biểu Khánh bày tỏ quan điểm.

Doanh nghiệp cần được quan tâm đặc biệt

Theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, tăng 2,7% và chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019. Số DN tạm ngừng kinh doanh và số DN giải thể đều tăng cao so với năm 2022, lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn so với lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hoạt động của DN và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế, cũng là yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế.

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của DN, nhất là đối với khối DN tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển DN trong thời gian tới. “Tín dụng tăng trưởng thấp mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng DN và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN từ đó thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu ý kiến.

Để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi cho DN, ngoài các nhiệm vụ giải pháp Chính phủ đã nêu, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.

“Trong khi các chỉ tiêu nợ công ở mức thấp và an toàn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế phí cho DN và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024; giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước vừa kích cầu tiêu dùng vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế. Đẩy mạnh hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn chuyển đổi năng lượng”, đại biểu Thanh đưa ý kiến.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu đầu tư tư nhân, tăng niềm tin của DN và nhà đầu tư. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo vì mục tiêu chung.

“Rất mong Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình DN khi 4 tháng đầu năm và có đánh giá chính xác về các chỉ số như đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng. Trong đó có hạ tầng số, quy mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn và tốt hơn cho DN”, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

ĐBQH: Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu bị bào mòn đến cạn kiệt
ĐBQH: Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu bị bào mòn đến cạn kiệt

VOV.VN - Ngoài tác động của nền kinh tế và đại dịch, ĐBQH cho rằng các chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp giải thể.

ĐBQH: Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu bị bào mòn đến cạn kiệt

ĐBQH: Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu bị bào mòn đến cạn kiệt

VOV.VN - Ngoài tác động của nền kinh tế và đại dịch, ĐBQH cho rằng các chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp giải thể.

Thực hiện Nghị quyết số 43: “Giảm thuế VAT đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn”
Thực hiện Nghị quyết số 43: “Giảm thuế VAT đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn”

VOV.VN - Chính sách giảm thuế VAT gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa 8% hay 10%, nên đại biểu có ý kiến giảm thuế VAT đồng loạt xuống mức 8% sẽ tốt hơn cho DN.

Thực hiện Nghị quyết số 43: “Giảm thuế VAT đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn”

Thực hiện Nghị quyết số 43: “Giảm thuế VAT đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn”

VOV.VN - Chính sách giảm thuế VAT gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa 8% hay 10%, nên đại biểu có ý kiến giảm thuế VAT đồng loạt xuống mức 8% sẽ tốt hơn cho DN.

Chính phủ nêu 5 nhóm giải pháp đối phó với thách thức phát triển KT-XH
Chính phủ nêu 5 nhóm giải pháp đối phó với thách thức phát triển KT-XH

VOV.VN - Chính phủ tiếp thu tất cả các ý kiến xác đáng của các ĐBQH về những khó khăn, thách thức và bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp để đối phó trong thời gian tới.

Chính phủ nêu 5 nhóm giải pháp đối phó với thách thức phát triển KT-XH

Chính phủ nêu 5 nhóm giải pháp đối phó với thách thức phát triển KT-XH

VOV.VN - Chính phủ tiếp thu tất cả các ý kiến xác đáng của các ĐBQH về những khó khăn, thách thức và bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp để đối phó trong thời gian tới.