Quảng Ngãi gỡ khó cho “cây xoá đói, giảm nghèo”

VOV.VN - Nhiều năm qua, cây keo được xem là loại cây trồng “xoá đói, giảm nghèo”, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mua bán keo non ồ ạt, phá rừng trồng keo, dịch bệnh trên cây keo… khiến người dân và chính quyền địa phương gặp khó.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan xử lý dứt điểm hoạt động thu mua gỗ keo “bất hợp pháp” trên địa bàn tỉnh. Hơn một tháng sau “lệnh cấm” này, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nơi có diện tích trồng keo lớn, hàng ngàn hộ dân, lao động, chủ các cơ sở thu mua keo… gặp nhiều khó khăn.

Hơn một tháng nay, gia đình ông Phạm Văn Trãi, ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ lâm cảnh khốn khó do thu nhập giảm sút. Trước đây, ngoài những ngày lên rẫy chăm sóc rừng keo, ông Trãi tranh thủ cùng đàn ông, trai tráng trong xã đi bốc vác, vận chuyển keo từ rừng trồng của bà con đến điểm thu mua keo, mỗi ngày kiếm hàng trăm ngàn đồng. Thế nhưng, giờ đây, từ sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi có “lệnh cấm”, các cơ sở thu mua gỗ keo trái phép ngưng hoạt động, tất cả đều ngưng trệ.

Ông Phạm Văn Trãi cho hay, nhiều hộ trồng keo muốn bán lấy tiền trang trải cũng không khai thác được vì không ai vận chuyển, không có người mua: “Keo trồng được một ít, có trạm thu mua ở đây rất lợi cho dân. Thứ nhất là tiền phí xe cộ; thứ hai, người dân tranh thủ đi bốc vác kiếm ngày công. Người dân trồng keo phải lo tiền giống, tiền phát dọn, tiền xe, tiền nhân công nữa thì thu từ cây keo không còn bao nhiêu. Nếu cây keo bị bệnh nữa là mất trắng. Nhà nước cấm thì người dân mình đi làm chỗ khác”.

Ông Đinh Văn Phượng, ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ cho biết, điểm thu mua keo của ông hoạt động năm 2020. Từ tháng 4/2023 đến nay, cơ sở này bị đình chỉ hoạt động và xử phạt vi phạm hành chính với lý do trạm cân lắp đặt trên diện tích đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, không có giấy phép xây dựng…

“Hiện tại, chính quyền địa phương không cho thu mua keo nên chúng tôi đã dừng hoạt động. Tôi hoạt động đa ngành nghề, huyện bảo đem giấy tờ xuống để gạt bỏ không cho cân keo, không cho kinh doanh, thu hồi mục đó. Mục mà chính quyền đã cho kinh doanh. Tôi thấy quá vô lý. Tôi yêu cầu chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh tạo điều kiện để các hộ kinh doanh làm cho đúng. Những gì chưa đúng thì hướng dẫn bà con làm cho đúng để khỏi sai phạm”, ông Đinh Văn Phượng đề nghị.

Tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 12 trạm cân, điểm thu mua gỗ keo “bất hợp pháp” đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động. Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, qua kiểm tra, đa phần các trạm cân này thiếu nhiều thủ tục giấy tờ, nhất là thủ tục về đất đai, phòng cháy chữa cháy; hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đảm bảo quy định pháp luật...

“Tỉnh và huyện cũng đã chỉ đạo từ những năm trước đây. Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản và đi kiểm tra. Nhiều lần đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện cũng đã nhắc nhở các hộ kinh doanh và cũng tạo điều kiện cho các hộ bổ sung thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các hộ kinh doanh vẫn chưa đảm bảo đủ theo yêu cầu để đưa trạm cân vào hoạt động”, ông Phạm Giang Nam cho biết.

Tình trạng thu mua gỗ keo bất hợp pháp tại nhiều địa phương miền núi tỉnh Quảng Ngãi diễn ra nhiều năm qua, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và cạnh tranh không lành mạnh… Từ năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, thế nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương “rà soát, xử lý dứt điểm các trạm thu mua gỗ keo bất hợp pháp” lần này vô tình khiến cả người trồng, hộ kinh doanh và cả doanh nghiệp, nhà máy lâm thế khó.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 225.000 hecta keo, trồng tập trung ở các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Nghĩa Hành, Minh Long… Nhiều năm qua, cây keo được xem là loại cây trồng “xoá đói, giảm nghèo”, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mua bán keo non ồ ạt, phá rừng trồng keo, dịch bệnh trên cây keo… khiến người dân và chính quyền địa phương gặp khó. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán cây keo non để sản xuất dăm gỗ, vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn, tham gia trồng rừng, quản lý và phát triển rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương triển khai các biện pháp tăng cường quản lý khai thác, sử dụng rừng trồng, chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn.

“Thời gian qua, cây keo giúp cho người dân các huyện miền núi có được sinh kế, chưa có loại cây trồng nào được người dân phát triển, trồng nhiều như vậy. Tuy nhiên, đằng sau cây keo có hệ luỵ làm mất nước, gây sa bồi, thuỷ phá. Người dân thường khai thác keo non chưa đủ tuổi… Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi nghiên cứu một số mô hình cây trồng ở các huyện miền núi có hiệu quả, có giá trị cao ở một số tỉnh khác để áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trước mắt, chúng tôi định hướng Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những mô hình phù hợp với địa bàn, phù hợp với nguồn ngân sách. Hiện nay, chúng tôi muốn hạn chế việc băm dăm xuất khẩu, hướng đến chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng. Hạn chế cây keo bị khai thác quá sớm so với thời hạn cây trồng”, ông Võ Phiên cho biết thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nấm bệnh bùng phát, người trồng keo Quảng Ngãi khốn đốn
Nấm bệnh bùng phát, người trồng keo Quảng Ngãi khốn đốn

VOV.VN - Nhiều rừng keo từ 1 đến hơn 2 năm tuổi ở Quảng Ngãi đang xuất hiện nấm bệnh làm cây chết hàng loạt khiến người nông dân khốn đốn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ keo trên địa bàn.

Nấm bệnh bùng phát, người trồng keo Quảng Ngãi khốn đốn

Nấm bệnh bùng phát, người trồng keo Quảng Ngãi khốn đốn

VOV.VN - Nhiều rừng keo từ 1 đến hơn 2 năm tuổi ở Quảng Ngãi đang xuất hiện nấm bệnh làm cây chết hàng loạt khiến người nông dân khốn đốn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ keo trên địa bàn.

Quảng Nam khuyến khích dân miền núi bỏ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn
Quảng Nam khuyến khích dân miền núi bỏ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người trồng rừng chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và phát triển các loại cây bản địa đa mục tiêu.

Quảng Nam khuyến khích dân miền núi bỏ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn

Quảng Nam khuyến khích dân miền núi bỏ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người trồng rừng chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và phát triển các loại cây bản địa đa mục tiêu.

Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non vì được giá
Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non vì được giá

VOV.VN - Sau nhiều năm liên tục rớt giá, hiện nay, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao nên nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi vì có thu nhập khá. Thế nhưng, nhiều người vì thấy lợi trước mắt đã ồ ạt bán cả keo non chưa đến kỳ khai thác.

Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non vì được giá

Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non vì được giá

VOV.VN - Sau nhiều năm liên tục rớt giá, hiện nay, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao nên nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi vì có thu nhập khá. Thế nhưng, nhiều người vì thấy lợi trước mắt đã ồ ạt bán cả keo non chưa đến kỳ khai thác.