Thu hồi văn bản cổ phần hóa cảng Quy Nhơn

VOV.VN - Hơn 75% cổ phần chi phối của nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng sai quy định cho doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được xử lý, thu hồi.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về việc hủy bỏ 2 văn bản hành chính do cơ quan này ban hành liên quan đến việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Theo Kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông -Vận tải đã cho phép Vinalines chuyển nhượng hơn 75% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, thuộc sở hữu nhà nước là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Việc chuyển nhượng này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, không báo cáo và chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Thu hồi văn bản cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Sau khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã hủy bỏ 2 văn bản: Văn bản về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và văn bản về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Vinalines căn cứ Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến trách nhiệm của mình.

 “Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và theo chỉ đạo của Chính phủ. Sắp tới, các bước tiếp theo thì hoàn toàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ chỉ thực hiện những việc mà kết luận của Thanh tra và Chính phủ giao trong đó có giao thu hồi 2 quyết định và chúng tôi cũng đã thu hồi rồi” - ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Cảng Quy Nhơn có vị trí  chiến lược rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996 – 2001 nêu quan điểm, cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Cảng có khối lượng hàng hóa thông quan lớn nhất khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên phát triển.

Theo ông Tô Tử Thanh, cảng Quy Nhơn là tài nguyên của đất nước chứ không phải của địa phương nào mà muốn làm gì thì làm. Trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải đối với những quyết định của mình là như thế nào? Ông Tô Tử Thanh đề nghị, những tổ chức, cá nhân nào đã làm sai thì phải xử lý, chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Tổ chức, cá nhân nào đã chủ trương bán vốn nhà nước cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nào xác định giá trị cảng Quy Nhơn có 404 tỉ đồng, có lợi ích nhóm hoạt động ở đây không, đó là 3 vấn đề cần phải làm rõ. Từ khi cổ phần hóa, phát hiện và nêu vấn đề từ năm 1986 đến nay kéo dài và xử lý như thế thì tôi cho rằng quá kéo dài” - ông Tô Tử Thanh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên