Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo định hướng phát triển doanh nghiệp

VOV.VN - Chiều nay (15/9), tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Khoá 11.

Báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam giai đoạn 2011-2021, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhâp quốc tế, trong 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc. Chỉ tính trong 11 năm, từ năm 2011 đến 2021 đã có trên 1 triệu doanh nghiệp tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001-2011.  

Cùng với sự tăng lên về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn trong các doanh nghiệp này cũng tăng lên trong giai đoạn 2011-2021, đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, (tăng 12,11%/năm). Số lao động đăng ký trong doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm có trên 1 triệu. Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, đặc biệt qua dịch Covid-19 thể hiện rất rõ.

Ông Phạm Tấn Công nêu rõ: "Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện.

Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, kiến thức, kỹ năng kinh doanh của doanh nhân đã được cải thiện rõ rệt, trong đó đáng chú ý nhất là các kiến thức về chuyển đổi số. Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân được cải thiện rõ rệt".

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp, mong muốn, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện tiếp tục phát triển trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… nhằm phát huy được vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết. Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh nêu rõ, yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, mà còn cần phải vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tập trung làm rõ các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09 về thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết; kết quả thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ của nghị quyết; vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình công nghiêp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế ở Việt Nam; đâu là những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên