Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gần 600% so với 1 năm trước do nhu cầu tăng cao mà nguồn cung không đáp ứng đủ.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 7/10 nói rằng việc Đức phê duyệt Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) có thể giúp giá khí đốt ở châu Âu được kiểm soát trở lại, theo The Guardian.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các chính trị gia châu Âu đổ lỗi cho Nga hạn chế nguồn cung khiến khu vực này lao đao vì “khủng hoảng khí đốt”.

Gazprom, công ty có phần lớn cổ phần thuộc sở hữu của nhà nước Nga, là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu và đáp ứng khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu lục này.

Các công ty năng lượng châu Âu cho rằng Gazprom đang hạn chế nguồn cung theo nghĩa vụ hợp đồng dài hạn và hạn chế cung cấp khí đốt trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, khiến giá khí đốt tăng cao hiện nay.

Trong khi đó, các nghị sĩ châu Âu cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 nằm ở trung tâm cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và Nga đang tận dụng thế độc quyền cung cấp khí đốt của Gazprom làm đòn bẩy buộc Đức khai thông đường ống dẫn khí đốt dưới biển.

Mỹ cũng phản đối thỏa thuận giữa Nga và Đức, cho rằng điều này sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều vào Nga về nguồn cung năng lượng, tạo đòn bẩy địa chính trị cho Nga.

Vậy Dòng chảy phương Bắc là một dự án như thế nào, lộ trình của nó đi qua những đâu? Dự án có thể đem lại cho Nga những đòn bẩy nào với châu Âu? Những nước nào chịu thiệt nhiều nhất trong dự án này? Vai trò của Mỹ ở đây là gì? Washington thực sự quan tâm đến các đồng minh châu Âu hay chỉ vì các lợi ích riêng của mình?

Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên kéo dài từ các mỏ của Nga đến bờ biển của Đức, trải dài 764 dặm (1.230 km). Đây là một hệ thống đường ống dưới Biển Baltic, có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt so với Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) ban đầu đã vận hành từ năm 2011.

Tổng công suất hàng năm của Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) là 55 tỷ mét khối. Dòng chảy phương Bắc 2 được cho là sẽ vận chuyển được 110 tỷ mét khối/năm.

Theo trang web chính thức của Dòng chảy phương Bắc 2, Gazprom sở hữu dự án này và có 5 công ty đầu tư - Royal Dutch Shell Plc, ENGIE, OMV, Uniper và Wintershall DEA - đóng góp vào dự án đường ống trị giá 11,6 tỷ USD.

Việc xây dựng dự án hoàn thành vào tháng 9/2021 và hiện đang chờ Đức phê duyệt để bắt đầu cung cấp khí đốt. Điểm đầu của đường ống này là khu vực Ust-Luga, Kingiseppsky ở Leningrad của Nga. Trải dài qua Biển Baltic, đường ống sẽ kết thúc tại Greifswald, thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern ở phía Đông Bắc nước Đức, khá gần với điểm cuối của Dòng chảy phương Bắc 1.

Cốt lõi của vấn đề nằm ở việc Đức phụ thuộc vào khí đốt để phục vụ lĩnh vực sản xuất và 4 ngành công nghiệp chính - ô tô, cơ khí, hóa chất và điện.

Đức đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đặt mục tiêu kết thúc sản xuất điện từ than đá vào năm 2038.

Sử dụng khí đốt tự nhiên, cũng là một loại nhiên liệu hóa thạch, thải ra ít carbon hơn so với đốt than và theo kế hoạch trung hòa carbon đến năm 2050, Đức sẽ cần nhiều khí đốt hơn, theo Politico.

Hiện các nguồn tái tạo chiếm khoảng 50% sản lượng điện của Đức. Tuy nhiên trong mùa đông, khi thiếu ánh sáng mặt trời và gió, Đức cũng cần khí đốt để đáp ứng nhu cầu cao hơn về năng lượng (như để sưởi ấm…).

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Điều này cũng được như thể hiện rõ ràng qua các hành động của Berlin. Bất chấp những tranh cãi xung quanh vụ đầu độc nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục thúc đẩy xây dựng dự án này.

Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Ảnh: Getty Images)

Để giảm mức độ nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty tham gia vào Dòng chảy phương Bắc 2, chính quyền một bang nông thôn ở Đức, nơi đường ống sẽ đi qua, đã thiết lập một nền tảng để hỗ trợ xây dựng dự án, với lý do “bảo vệ khí hậu”, theo The Economist.

Ngoài ra, bà Merkel thậm chí đã gọi điện cho Tổng thống Nga Putin vào tháng 7 năm nay để thảo luận về việc hoàn thành đường ống. Sau đó Điện Kremlin ra tuyên bố nói rằng, ông Putin ca ngợi "sự kiên định của Đức liên quan đến việc hoàn thành một dự án thương mại thuần túy, vốn được thiết kế để tăng cường an ninh năng lượng của nước Đức”.

Sự kết hợp giữa nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của Đức, sản lượng khí đốt ở châu Âu giảm trong vài năm qua và khả năng Nga có thế độc quyền năng lượng đối với châu Âu đã tạo ra tranh cãi xung quanh Dòng chảy phương Bắc 2.

Dự án này sau khi hoàn thành có thể cho phép Nga kiểm soát ở mức độ nhất định nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, điều mà nhiều người lo  ngại Moscow sẽ sử dụng làm đòn bẩy chính trị.

Những hậu quả tiềm ẩn không khó tưởng tượng. Châu Âu đã nhập khẩu khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Nếu quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng, điều gì sẽ ngăn cản Nga chặn nguồn cung cấp, khiến hàng triệu người châu Âu không có khí đốt, không thể sử dụng hệ thống sưởi và ánh sáng? Do đó, những người chỉ trích Dòng chảy phương Bắc cho rằng, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ bị Nga đe dọa nghiêm trọng.

Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ mang lại cho Nga một thị trường khí đốt khổng lồ (Ảnh: Getty Images)

Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ mang lại cho Nga một thị trường khí đốt khổng lồ mà còn cho phép nhà lãnh đạo nước này thực hiện ảnh hưởng địa chính trị đối với các đồng minh và đối thủ của mình ở châu Âu. Đây chính xác là những gì các nghị sỹ châu Âu đã cáo buộc, cho rằng Nga có thể dễ dàng cung cấp nhiều khí đốt hơn cho các nước châu Âu để hạ giá khí đốt hiện nay, nhưng Moscow đã quyết định không làm như vậy.

Ngày 15/9, người phát ngôn của Điện Kremlin tên là Dimitry Peskov nói rằng “việc nhanh chóng vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ cân bằng đáng kể các thông số định giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu”.

Ukraine và Ba Lan phản đối kịch liệt Dòng chảy phương Bắc 2 vì những nước này có thể mất lợi thế cả về chính trị và kinh tế.

Một phần lớn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đi qua Ukraine và điều này cho phép Ukraine thu được khoảng 2 tỷ USD phí vận chuyển. Trong khi đó, lộ trình của Dòng chảy phương Bắc 2 dọc theo Biển Baltic sẽ không đi qua Ukraine. Điều này khiến Kiev mất khoảng 3% GDP.

Mối quan hệ Ukraine-Nga không mấy suôn sẻ kể từ khi Liên Xô tan rã. Hai bên thậm chí đã có một cuộc tranh chấp về khí đốt vào năm 2009 khiến Gazprom cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine trong 13 ngày. Các nước châu Âu khác cũng phải chịu tác động nhất định từ sự việc khi đó.

Theo The New York Times, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga có thể khiến Nga gây sức ép buộc Ukraine phải nhún nhường ở các khu vực xung đột như Crimea hay Donbas.

Một phần lớn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đi qua Ukraine (Ảnh: Getty Images)

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Ba Lan - quốc gia hiện đang nhập khẩu khí đốt từ đường ống Ukraine-Ba Lan.

Ba Lan nói rằng đường ống của Nga là phản cạnh tranh, khiến đường ống Ukraine-Ba Lan trở nên lỗi thời và buộc nước này phải mua khí đốt từ Đức với giá cao hơn.

Nhiều chính trị gia và chuyên gia quân sự các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng cảnh báo rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là phương tiện của Nga để tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Baltic.

Mỹ tuyên bố rằng, họ lo ngại các đồng minh châu Âu sẽ phụ thuộc quá mức vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Dù vậy cũng không có gì bí mật khi chính Mỹ cũng mong muốn tăng cường bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu.

Trên thực tế, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các thực thể và tàu thuyền khác nhau có liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt 19 lệnh trừng phạt như vậy, nhiều hơn đáng kể so với chỉ 2 lệnh trừng phạt được ban hành dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2021. Lý do được đưa ra không chỉ vì Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống gần như đã hoàn thành mà ông Biden còn muốn củng cố các mối quan hệ với châu Âu.

Lý do cho sự can dự của Mỹ là vì chính trị và kinh tế (Ảnh: Getty Images)

Mỹ cũng nói rằng hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà nước này đã áp đặt đối với Nga sau cuộc Khủng hoảng Ukraine năm 2014 sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động xuất khẩu khí đốt mà Dòng chảy phương Bắc 2 có thể đem lại.

Tóm lại, lý do cho sự can dự của Mỹ là vì chính trị và kinh tế. Nước này không muốn Đức và các quốc gia châu Âu khác phụ thuộc vào Nga về khí đốt ở mức độ mà Nga có thể tận dụng để gây ảnh hưởng ngược lại đối với họ. Đồng thời, Mỹ muốn thu lợi bằng cách bán khí đốt của riêng mình cho châu Âu.

Tuy nhiên, theo Economist, khí đốt vận chuyển qua đường ống có chi phí thấp hơn so với khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các ngành công nghiệp của Đức ưu tiên khí đốt của Nga hơn khí đốt của Mỹ.

Quyền lực kinh tế thường đi kèm với ảnh hưởng chính trị. Với việc phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2, Đức có thể đem lại cho Nga đòn bẩy chính trị đối với phần còn lại của châu Âu. Mỹ tất nhiên sẽ không hài lòng về điều này./.

Nga tuyên bố hoàn tất tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 chờ ngày vận hành (Video: France 24)

Thứ Ba, 08:18, 12/10/2021