Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số ô tô của các hãng thành viên bán được lên tới 166.516 xe trong 7 tháng của 2021, tăng 27% so với cùng kì năm ngoái, cho thấy sự phục hồi của thị trường trong nước.

Trong khi đó, TC Motor cũng bán ra tổng cộng 38.066 xe ô tô Hyundai và VinFast công bố doanh số xe đạt 19.720 xe trong 7 tháng của năm 2021. Nhờ vậy, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng khoảng 224.302 xe, một con số đáng khích lệ trong tình hình dịch COVID-19.

Một số đợt bùng phát dịch đã khiến tình hình kinh doanh ô tô của các hãng không ổn định trong nửa đầu năm 2021. Theo thống kê của VAMA, thị trường ô tô đạt doanh số cao nhất vào tháng 3/2021 với 29.036 xe, nhưng các tháng sau đó liên tiếp giảm và tháng 7 chỉ còn bán được 16.035 xe.

Những đợt giãn cách để phòng chống dịch được thực hiện vào tháng 6, 7/2021 ở Hà Nội và TP HCM có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số thị trường ô tô. Hiện tại, việc dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp có thể sẽ khiến số lượng xe bán ra trong những tháng cuối năm 2021 sụt giảm mạnh hơn.

Nửa cuối năm 2020 thị trường ô tô Việt gây chú ý với chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ hết sức hấp dẫn do Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ cho các dòng ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2021, chính sách này đã hết hiệu lực giúp các loại xe cạnh tranh bình đẳng.

Chính vì vậy, hàng loạt chương trình ưu đãi giảm giá đã được các hãng tung ra cho những mẫu xe của mình nhằm nỗ lực kéo lại thị phần. 2 tháng đầu năm 2021, nhiều dòng ô tô phổ thông được khuyến mại liên tục, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ lệ phí trước bạ như VinFast, Mitsubishi…

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất thực hiện chiến dịch giảm giá cực mạnh lên tới hàng trăm triệu đồng với các mẫu xe. Trong đó, đã từng có những trường hợp các dòng xe sang cao cấp của BMW hay Land Rover được ưu đãi 500 – 800 triệu đồng.

Thời gian gần đây, khi doanh số xe không tăng trưởng như kỳ vọng, các chương trình khuyến mại vẫn tiếp tục được nhiều hãng áp dụng, thậm chí đến từ những hãng xe vốn không thường xuyên thực hiện việc này như Toyota hay Hyundai. Các mẫu Vios và Accent vốn bán chạy trong thời gian trước đây bị cạnh tranh mạnh khiến nhà sản xuất không thể ngồi yên.

Dự kiến, tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp sẽ khiến khả năng kinh doanh ô tô khó khăn hơn trong vài tháng tới. Chính vì vậy, không loại trừ việc nhiều hãng xe sẽ còn thực hiện những ưu đãi mạnh hơn càng về cuối năm nhằm thu hút khách hàng trở lại.

Cùng với việc giảm giá, ưu đãi, trong giai đoạn phục hồi doanh số, đa số các nhà sản xuất Việt Nam đều tích cực giới thiệu các mẫu xe mới, phiên bản nâng cấp cho các mẫu xe ở Việt Nam để thu hút khác hàng hơn. Do đó, thị trường Việt Nam nửa đầu năm 2021 dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng vẫn tràn ngập ô tô mới và đa dạng về chủng loại.

Về phần các bản nâng cấp, đáng chú ý nhất là những “ông kẹ” như Toyota Vios và Hyundai Santa Fe. Ngoài ra, còn có những mẫu xe phổ thông khác: Mitsubishi Attrage, Isuzu D-Max, hay các mẫu xe sang như Mercedes C-class và E-class, BMW Series 5.

Cũng trong giai đoạn đầu năm, nhiều mẫu xe hoàn toàn mới được giới thiệu đến thị trường Việt Nam. Nổi bật nhất trong số này chính là VinFast VF e34 – xe thuần điện đầu tiên được nhà sản xuất Việt Nam trình làng.

Ngoài ra, Mazda CX-3 và CX-30 cũng là hai mẫu crossover cỡ nhỏ lần đầu được ra mắt ở thị trường trong nước, tham gia cạnh tranh ở phân khúc đang rất hút khách. Trong khi đó, Lexus IS và LM350, cùng Mercedes-Maybach GLS600 là những mẫu xe sang nổi bật được mang về thị trường.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 81.107 ô tô nguyên chiếc các loại trong 6 tháng đầu năm 2021, với kim ngạch đạt 1,84 tỷ USD; giúp mức tăng trưởng lần lượt là 100,5% về số lượng xe và 100,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Ô tô xuất xứ từ Thái Lan vẫn dẫn đầu với số lượng nhập khẩu lên tới 40.485 chiếc, đạt kim ngạch 758 triệu USD. Trong khi đó, lượng xe từ Indonesia cũng lên tới 23.072 chiếc, đạt kim ngạch 287 triệu USD. Đứng thứ ba là Trung Quốc với 11.459 chiếc, kim ngạch 427 triệu USD.

Thống kê từ VAMA cho thấy, tính đến hết tháng 6/2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 85.085 chiếc, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi xe nhập khẩu đạt 65.396 chiếc, tăng tới 59%.

Lượng xe nhập khẩu tăng mạnh năm 2021 cũng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam sau khi ưu đãi phí trước bạ từ chính phủ không còn, khiến sức hút của ô tô lắp ráp nội địa và nhập khẩu ngang nhau. Dự đoán trong khoảng thời gian tới, xe nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh về số lượng sau khi thuế nhập khẩu ô tô đã giảm mạnh sau khi Việt Nam và châu Âu ký kết xong EVFTA cũng như mức thuế 0% đối với xe nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á.

Trong nửa đầu năm 2021 thị trường ô tô Việt Nam còn gây chú ý với những “cuộc đua” doanh số hấp dẫn, cùng với đó là màn lật đổ ngoạn mục của các mẫu xe mới nổi, lấy đi vị trí dẫn đầu vốn thuộc về những “ông kẹ” có máu mặt.

Điển hình trong số đó chính là việc VinFast Fadil lần lượt chiếm lấy ngôi đầu phân khúc xe đô thị hạng A, vượt trên những cái tên như Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Đồng thời, mẫu xe này cũng chiếm luôn ngôi vị dẫn đầu về doanh số tại thị trường nước ta với tổng cộng 10.127 chiếc bán ra nửa đầu năm nay.

Đây là một trong những bất ngờ và thành công lớn nhất khi Fadil chỉ mới bán ra thị trường trong hơn 2 năm.

Cùng với đó, ở phân khúc crossover cỡ nhỏ, Kia Seltos cũng nổi lên mạnh mẽ bằng mức giá hợp lý và công năng sử dụng phù hợp với người tiêu dùng. Nhờ đó, mẫu xe này đạt doanh số 7.209 chiếc sau 6 tháng đầu năm, một kết quả tốt cho mẫu xe mới ra mắt thị trường khoảng 1 năm. Đứng thứ hai ở phân khúc này cũng là mẫu xe mới được giới thiệu năm ngoái – Toyota Corolla Cross, với doanh số 5.659 chiếc.

Ngoài ra, một số phân khúc khác cũng có những thay đổi lớn như việc Mazda CX-5 đã trở lại ngôi đầu trong số các crossover nhỏ gọn chỉ sau một năm bị Honda CR-V vượt lên trong khi Hyundai Sante Fe thay thế Toyota Fortuner ở ngôi vị dẫn đầu phân khúc xe gầm cao 7 chỗ hạng D.

Đại dịch COVID-19 khiến toàn bộ nền kinh tế lao đao nhưng lại giúp thúc đẩy một số hình thái kinh doanh phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đó chính là việc bán hàng trực tuyến. Trong ngành ô tô, hình thức này đã chớm nở ở Việt Nam trong giai đoạn đầu năm nay với vài hãng xe cụ thể.

Theo đó, VinFast đi đầu trong phong trào này với việc ra mắt mô hình mua sắm O2O (Online to Offline) vào tháng 1/2021, cho phép khách hàng lựa chọn phiên bản, màu sắc nội, ngoại thất, hình thức thanh toán.

Tiếp đến tháng 3, Mercedes Việt Nam đã ra mắt giao diện mua sắm xe online; trong đó, khách hàng có thể chọn các mẫu xe kèm trang bị có sẵn, chọn báo giá và kết nối với đại lý để giao dịch mua xe trực tiếp, trong khi Mercedes-Benz đóng vai trò tư vấn ban đầu.

Ra đời muộn hơn vào tháng 6, TC Motor là nhà sản xuất tiếp theo thực hiện chuyển đổi hình thức sang mua bán trực tuyến nhưng hãng chỉ mới áp dụng cho xe Hyundai Santa Fe; tương tự như các nhà sản xuất khác, TC Motor cũng cho phép khách hàng chọn màu xe, phiên bản, hình thức thanh toán và đặt hàng trực tuyến.

Tuy hình thức mua bán tại Việt Nam chưa đạt được mức hoàn toàn trực tuyến như Tesla tại Mỹ nhưng đây cũng là một bước tiến lớn, “manh nha” cho kiểu kinh doanh mới mẻ này tại Việt Nam. Điều đó sẽ giúp các hãng xe có thể cải thiện được kết quả kinh doanh trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc để tránh lây truyền dịch COVID-19./.

Thứ Ba, 07:30, 17/08/2021