Cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn: Một chính sách nhân văn

VOV.VN - Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đến ngày 12/10 đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng CAND, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật…

Hiện nay, có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác này.

Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện có trên 2.600 người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù có điều kiện. Thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo để hỗ trợ số người này. Trong đó, đã cho nhiều người vay vốn, hỗ trợ xây nhà, tổ chức phiên giao dịch việc làm để giúp đỡ họ. Nhờ đó, nhiều người đã vươn lên làm giàu, giúp đỡ người khác.

Tại UBND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, mỗi năm, địa bàn tiếp nhận khoảng 100-120 người chấp hành xong án phạt tù, được chia làm 4 nhóm, trong đó có 67% không có nghề nghiệp, ý thức hạn chế, mặc cảm. Công an TP Cao Lãnh tham mưu rất tốt trong việc quan tâm, giáo dục, giúp đỡ họ với nhiều nội dung sát với thực tế từng đối tượng, để họ có nghề, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù: Một chương trình đầy nhân văn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát biểu tại Hội nghị quán triệt triển khai Quyết định số 22/2023 QĐ – TTG  của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hoạt động của các mô hình hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nói.

Ngày 10/10/2023, Quyết định chính thức có hiệu lực thi hành. Ngay sau khi có hiệu lực, báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đến ngày 12/10 đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn, với tổng số tiền 138 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cũng khẳng định, đây là một chương trình đầy nhân văn, đồng thời khẳng định, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác đến người dân không bị trùng lặp; không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo toàn và phát triển nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đồng thời góp phần chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, đây là một trong những chính sách, chủ trương rất nhân văn, nhân đạo, thiết thực của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi. Trước đây, khi chưa có chính sách này, các ngân hàng thương mại cũng đã cho người lầm lỗi vay vốn, nhờ đó, nhiều người đã làm ăn tốt.

Lấy ví dụ, ông Tú cho biết, ở Hoà Vang, Đà Nẵng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi năm đã cho khoảng 20-30 người lầm lỗi vay vốn, đồng thời tư vấn cho họ biết cách sử dụng đồng tiền. Nhờ đó, không chỉ giúp người lầm lỗi hoàn lương mà giúp cả gia đình họ ổn định cuộc sống.

Thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh

Trong bài phát biểu chỉ đại tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, nội dung Bộ Công an chọn rất đúng, rất trúng vì người chấp hành xong án phạt tù, người lầm lỗi có tâm lý tự ti, khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng.

Việc tham mưu chính sách này cho thấy Bộ Công an không những trấn áp hiệu quả các loại tội phạm mà rất chú trọng việc thực hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện, giúp đỡ người lầm lỗi hoà nhập cộng đồng nhanh chóng, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương.

Để triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thống nhất, hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp xử lý, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi.

Về vấn đề này, mới đây, trao đổi với PV VOV.VN, Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an khẳng định, Quyết định đã quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn vay cũng như việc bảo đảm tiền vay. Đối với các khoản nợ và xử lý nợ rủi ro được thực hiện theo quy định của pháp luật và nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ, xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc, bảo đảm khoản vay không thất thoát, lãng phí.

Nội dung cơ bản của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Đối tượng vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Điều kiện vay vốn: NCHXAPT có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; cơ sở sản xuất kinh doanh (được thành lập và hoạt động hợp pháp; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn).

Mục đích sử dụng vốn vay: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại; Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được thực hiện theo phương thức thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp.

Mức vốn và thời hạn cho vay: Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/ người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/ người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù
Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù

VOV.VN - Trước khi có Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thì chưa có chính sách nào riêng để hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn.

Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù

Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù

VOV.VN - Trước khi có Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thì chưa có chính sách nào riêng để hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn.