Vụ tạt a xít cả gia đình: Sớm khởi tố vụ án

Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp – TPHCM cho biết, đang khẩn trương củng cố hồ sơ chuyển sang Viện KSND cùng cấp để đề nghị cơ quan này phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án...

Theo báo NLĐ, ngày 27/1, cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp – TPHCM cho biết, đang khẩn trương củng cố hồ sơ chuyển sang Viện KSND cùng cấp để đề nghị cơ quan này phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lâm Tiến Dũng (SN 1964, ngụ nhà 274/10 Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp – TPHCM) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Hung thủ Lâm Tiến Dũng (ảnh: NLĐ)

Trong trả lời VOV Online, TS Đỗ Đức Hồng Hà, nguyên giảng viên Trường Đại học Luật, hiện đang là cán bộ của Bộ Tư pháp cho rằng, theo khoản 3 hoặc 4 Điều 104 Bộ Luật Hình sự, hung thủ sẽ bị khép vào tội “cố ý gây thương tích”. Nếu cơ quan điều tra xác minh đúng tên này cố tình tạt a xít vào người cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo (SN 2007) thì y sẽ phải chịu thêm tội danh “phạm tội với trẻ em”; Cũng như việc xác định việc tên Dũng cố ý gây thương tích cho vợ anh Tuấn, thì y cũng sẽ bị xét tình tiết tăng nặng là “phạm tội với nhiều người”.

Theo TS Hồng Hà, với các tình tiết tăng “phạm tội với trẻ em”, "phạm tội với nhiều người", theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Như tin đã đưa, sự việc xảy ra vào lúc 7h ngày 18/1 tại số nhà 274/8 đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM khiến cả bốn nạn nhân là anh Nguyễn Quốc Tuấn (38 tuổi), chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (36 tuổi, vợ anh Tuấn) và hai con Nguyễn Quốc Huy Bảo (5 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Ngọc (3 tuổi) bị bỏng.

Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp – TPHCM đã bắt khẩn cấp Lâm Tiến Dũng là nghi phạm trong vụ tạt a xít vào gia đình anh Tuấn.

Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên