Pháp ngữ trước bài toán định mệnh về bản sắc

(VOV) - Các chuyên gia Pháp ngữ đầu ngành đã nêu nhiều quan điểm về hiện tại và tương lai của cộng đồng này.

Từ 25-27/9, tại thành phố Lyon (Pháp), diễn ra cuộc Đối thoại Pháp ngữ lần thứ 12. Các giáo sư, chuyên gia về Pháp ngữ của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, tham dự các cuộc trao đổi về sức mạnh, bản sắc, ảnh hưởng của khối Pháp ngữ, của tiếng Pháp trong đời sống chính trị- xã hội thế giới hiện nay.

 

Quang cảnh bên trong hội thảo

Cuộc Đối thoại lần thứ 12 được Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, phối hợp với Tổ chức hợp tác các trường đại học Pháp ngữ, Hội đồng vùng Rhone-Alpes, trường đại học Jean Moulin Lyon 3 và Đại học Paris Sorbonne tổ chức. Với một phiên họp chung và 4 cuộc đối thoại bàn tròn, cuộc đối thoại đề cập đến nhiều vấn đề về sức mạnh, ảnh hưởng, tính đa bản sắc của Pháp ngữ, Không gian Pháp ngữ trong các thể chế Châu Âu…

Tại cuộc đối thoại mang tính khoa học này, các giáo sư, chuyên gia về Pháp ngữ của các quốc gia thành viên đã nêu nhiều quan điểm riêng, có khi đối lập nhau về hiện thực, tương lai của cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều ý kiến cho rằng Pháp ngữ có cơ hội lớn trong một thế giới toàn cầu hóa- nơi đa dạng văn hóa được nhấn mạnh và thúc đẩy. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cảnh báo rằng nếu thiếu hợp tác thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế, tổ chức Pháp ngữ sẽ ngày càng mất vị thế, nếu không nói là đứng ở bờ vực tan rã.

Giáo sư Michel Guillou, Chủ tịch Mạng lưới quốc tế các hội đồng Senghor của Pháp ngữ, người sáng lập Học viện Pháp ngữ về toàn cầu hóa tại Đại học Lyon 3, có bài tham luận mang tựa đề “Pháp ngữ đối mặt với bài toán vận mệnh về bản sắc”, trong đó khẳng định nếu có những giải pháp tốt, Pháp ngữ có thể nắm bắt được nhiều cơ hội từ toàn cầu hóa.

Trả lời PV VOV thường trú tại Pháp, Giáo sư Guillou vẫn bày tỏ nhiều lạc quan: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiếng Pháp có một vai trò được xác định lại về đa dạng ngôn ngữ và văn hóa; cộng đồng Pháp ngữ cũng được xác định lại vai trò như một chủ thể trong một thế giới đa dạng và mọi chủ thể đều có vị trí riêng. Pháp ngữ có thể tranh thủ thời cơ để xây dựng nền Pháp ngữ trong toàn cầu hóa, tạo một vị trí như một trục ảnh hưởng mới, đóng góp nhiều cho lợi ích của người dân, khiến họ tự hào đứng trong Tổ chức Pháp ngữ”.

 

Giáo sư Ramel

Tuy nhiên, giáo sư Frederic Ramel thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Paris lại cho rằng cần thừa nhận Pháp ngữ chỉ có vị trí và ảnh hưởng nhất định trong quan hệ quốc tế thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó.

“Pháp ngữ có thể tranh thủ thời cơ của toàn cầu hóa khi mà có nhiều luồng suy nghĩ, nhiều luồng sức mạnh và chủ thể trên thế giới. Cụ thể là Pháp ngữ có thể đóng vai trò tích cực trong vấn đề gìn giữ hòa bình, ví dụ điển hình là tới 22 phần trăm các điểm nóng trên thế giới là thuộc các nước Pháp ngữ,” ông Ramel nói. “Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng phần nhiều các nước có điểm nóng ấy lại không sử dụng tiếng Pháp nhiều và là những nước có sự phát triển còn hạn chế. Do đó, có thể nói rằng Pháp ngữ có nhiều yếu tố để phát triển năng động, nhưng chưa đủ để giúp tổ chức này có sức mạnh và ảnh hưởng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế.”

Cuộc đối thoại Pháp ngữ lần này còn mang ý nghĩa đặc biệt khi bao gồm cuộc bảo vệ luận án của một nghiên cứu sinh trẻ của Việt Nam, anh Nguyễn Khánh Toàn với chủ đề “Pháp ngữ như một chủ thể trong quan hệ quốc tế hiện đại: vấn đề và triển vọng”. Nhiều chuyên gia Pháp và các nước thành viên Pháp ngữ đánh giá đây là sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng, cho thấy giới trẻ vẫn quan tâm nghiên cứu về Pháp ngữ và như thế, tổ chức vẫn có tương lai phát triển.         

 

Bản đồ Pháp ngữ trên thế giới

Cuộc Đối thoại Pháp ngữ lần thứ 12 cũng nêu ra một số giải pháp để thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ, tuy nhiên do đây là một hội thảo khoa học hơn là đối thoại về mặt chính sách, nên chỉ dừng lại ở thảo luận nhiều vấn đề mang tính học thuật, có phần xa rời với những mối quan tâm đời thường của người dân các nước thành viên Pháp ngữ về những lợi ích thực sự mà cộng đồng Pháp ngữ mang lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên