Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga, phá tan các bệ phóng tên lửa?

VOV.VN - Quan chức cấp cao Ukraine xác nhận quân đội nước này vừa tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ, tận dụng cơ hội mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vừa mở ra cho họ. Theo đó, Ukraine vừa sử dụng tên lửa HIMARS để đánh chính xác vào hệ thống phóng tên lửa của Nga.

Ukraine hành động mạnh mẽ

Chỉ một số ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cho phép Ukraine được dùng vũ khí Mỹ để bắn vào lãnh thổ Nga, chính quyền Ukraine đã tận dụng cơ hội mới này, tấn công một cơ sở quân sự Nga nằm bên kia biên giới 2 nước, sử dụng một hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine, theo một quan chức cấp cao của Ukraine.

Cụ thể, thông tin trên do Yehor Chernev - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine, đưa ra vào ngày 4/6/2024. Ông Chernev cho biết, các lực lượng Ukraine đã phá hủy các bệ phóng tên lửa của Nga bằng một đòn đánh vào tỉnh Belgorod, nằm sâu 32km trong lãnh thổ Nga.

Quan chức Chernev cho biết thêm, quân đội Ukraine đã sử dụng một Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) để thực hiện vụ tấn công này.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Ukraine thừa nhận công khai rằng Ukraine đã sử dụng vũ khí Mỹ để đánh vào lãnh thổ Nga kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden dỡ bỏ lệnh cấm tấn công bằng những vũ khí đó. Trong nhiều tháng, lệnh cấm này là lằn ranh đỏ mà chính quyền Biden không muốn vượt qua do lo ngại làm gia tăng căng thẳng với nước Nga - quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Khi dỡ bỏ lệnh cấm đối với Ukraine, Mỹ đồng thời áp cả giới hạn, như Ukraine chỉ được phép dùng vũ khí Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga ở gần khu vực Đông Bắc Ukraine, với mục đích phòng thủ.

Trong khi đó, ông Chernev gửi tin nhắn cho biết Ukraine đã phá hủy các hệ thống tên lửa S-300 và S-400, nhưng ông không nói số lượng cụ thể.

Nga cũng sử dụng các hệ thống S-300 và S-400 (vốn được thiết kế nhằm bắn hạ máy bay) để oanh tạc thành phố Kharkov do Ukraine kiểm soát, nằm cách tỉnh Belgorod 72km.

Hệ thống HIMARS mà Ukraine sử dụng là loại pháo phản lực tầm xa có khả năng bắn xa hơn tầm bắn của hầu hết vũ khí Ukraine có gốc gác phương Tây.

Dấu hiệu vũ khí Mỹ

Hiện chưa kiểm chứng độc lập được tuyên bố của ông Chernev nhưng các đoạn video về hậu quả vụ tấn công vào bệ phóng S-300 và S-400 đã xuất hiện vào ngày 3/6. Hình ảnh vệ tinh và các đăng tải trên mạng xã hội cho thấy có nhiều đòn tấn công vào lãnh thổ Nga trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua.

Ông Chernev, cựu quân nhân Ukraine, cũng đồng thời đứng đầu phái đoàn Ukraine tại Hội đồng Nghị viện NATO. Trên cương vị này, ông Chernev tham gia thảo luận với các đối tác phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như cách sử dụng vũ khí phương Tây.

Một video đăng tải trên một kênh Telegram của Nga cho thấy thiết bị quân sự Nga bốc cháy, khói xám cuộn lên sau vụ tấn công trong ngày 2/6. New York Times đã kiểm chứng được video này - được quay ngay bên ngoài Belgorod. Các hình ảnh vệ tinh mà Planet Labs chụp được tại địa điểm này cho thấy khói bốc từ những vật thể được cho là xe quân sự bị phá hủy. Ít nhất một trong các bệ phóng đang trong tư thế nhấc cao vào thời điểm vụ tấn công.

Rob Lee - một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, đồng thời là chuyên gia về quân đội và tác chiến hiện đại của Nga, cho biết tầm bắn và độ chính xác của đòn tập kích này (trúng các bệ phóng) cho thấy vũ khí được sử dụng là loại do Mỹ sản xuất.

Ông Lee viết: “Với tầm bắn, dạng mục tiêu, nguồn đạn và sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Biden, tôi cho rằng có khả năng vụ tấn công này được thực hiện bằng HIMARS”.

Các blogger quân sự Nga, các nhà nghiên cứu phân tích hình ảnh vệ tinh và video chiến trường cũng như Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo có nhiều vụ tấn công khác nhau bằng vũ khí Mỹ vào bên trong lãnh thổ Nga kể từ ngày 30/5, khi chính quyền ông Biden phê chuẩn việc sử dụng này.

Còn vào ngày 1/6, Evgeny Poddubny - phóng viên chiến trường của đài truyền hình nhà nước Nga, chia sẻ các bức ảnh về những mảnh rocket Mỹ có dẫn đường được tìm thấy trên lãnh thổ Nga. Hiện chưa kiểm chứng được những mảnh vỡ này được phát hiện ở đâu và khi nào.

Giới phân tích quân sự đã từ lâu theo dõi xem khi nào Ukraine sẽ sử dụng vũ khí Mỹ đối với lãnh thổ Nga, và theo cách thức như thế nào.

Ý đồ của Ukraine đánh vào quân Nga ngay từ nơi xuất kích

Trong nhiều tuần lễ, Ukraine đã hăng hái vận động hành lang các đồng minh phương Tây, cố gắng thuyết phục họ cho phép nước này sử dụng vũ khí phương Tây để đánh vào bên trong nước Nga. Ukraine nói rằng quân Nga đang tập kết tại biên giới và chuẩn bị đánh vào Ukraine mà không bị đáp trả. Họ cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tấn công các máy bay mà Nga dùng để thả bom lượn từ lãnh thổ Nga vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine. Các mục tiêu khác mà Ukraine nhắm tới là căn cứ quân sự, chốt chỉ huy và kho đạn dược bên trong nước Nga.

Tổng thống Ukraine Zelensky viết trên Telegram vào hôm 4/6: “Chúng tôi sử dụng mọi cuộc gặp gỡ và mỗi ngày để trao cho các chiến binh của chúng tôi thêm khả năng. Tôi biết ơn tất cả những đối tác đang kịp thời giúp chúng tôi theo cách chúng tôi cần”.

Giới phân tích quân sự cho rằng năng lực mới của Ukraine - tấn công vào bên trong Nga, sẽ giúp nước này làm chậm đà tấn công của Nga xuyên biên giới.

Mykhailo Samus - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân đội, chuyển đổi và giải giáp (một tổ chức nghiên cứu quân sự ở Kiev), nói: “Giờ chúng tôi có thể tấn công quân Nga ngay từ giai đoạn tập kết, điều này giảm xác suất Nga mở các cuộc tiến công mới” vào các địa điểm khác tại biên giới.

Trong khi đó, Nga thường xuyên cảnh báo các đồng minh phương Tây của Nga rằng cho phép Ukraine tấn công vào bên trong Nga sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov phát biểu vào hôm 3/6 như sau: “Chúng tôi muốn cảnh báo giới chức Mỹ chớ tính toán sai lầm gây ra những hậu quả chết người”. Ông nói: “Vì một số lý do chưa rõ, họ đánh giá thấp tính nghiêm trọng trong phản ứng mà họ có thể phải đón nhận”.

Nga chưa nói cụ thể những hậu quả đó là gì mặc dù Tổng thống Nga Putin vào tuần trước bóng gió khả năng tấn công vào các nước châu Âu nhỏ bé qua lời ám chỉ rằng các nước này “có mật độ dân số rất lớn”.

Cho tới nay mới chỉ có quan chức Ukraine Chernev xác nhận Ukraine đã sử dụng vũ khí Mỹ để đánh vào bên trong lãnh thổ Nga, có lẽ do quan ngại động thái đó sẽ kích động Nga. Ngoài ra, Ukraine đang chuẩn bị cho một sáng kiến ngoại giao tại Thụy Sĩ vào cuối tháng 6 này nhằm trình bày kế hoạch của mình đối với việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John F. Kirby, cho biết, Mỹ sẽ không xem xét lại chính sách của mình cấm tấn công sâu hơn nữa vào trong lãnh thổ Nga trong những tuần tới. Chính quyền Mỹ cũng cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng loại pháo phản lực mạnh hơn và bắn xa hơn, đó là ATACMS.

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Ukraine Samus cho rằng “tất cả binh sĩ Nga đóng ở biên giới phải bị vô hiệu hóa để họ không thể đột phá” xuyên biên giới.

Xem thêm:

>> Điện Kremlin lần đầu tiên gọi Mỹ là “kẻ thù”

>> Ông Biden bí mật cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các nước Baltic có thể gửi quân tới Ukraine nếu Nga tạo được bước ngoặt?
Các nước Baltic có thể gửi quân tới Ukraine nếu Nga tạo được bước ngoặt?

VOV.VN - Các nghị sĩ khối Baltic tuần trước cảnh báo giới chức Đức rằng chính phủ của họ sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu Nga đạt được những thành quả lớn trên thực địa, theo tờ Der Spiegel.

Các nước Baltic có thể gửi quân tới Ukraine nếu Nga tạo được bước ngoặt?

Các nước Baltic có thể gửi quân tới Ukraine nếu Nga tạo được bước ngoặt?

VOV.VN - Các nghị sĩ khối Baltic tuần trước cảnh báo giới chức Đức rằng chính phủ của họ sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu Nga đạt được những thành quả lớn trên thực địa, theo tờ Der Spiegel.

Nga siết 3 gọng kìm đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm chưa từng thấy
Nga siết 3 gọng kìm đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm chưa từng thấy

VOV.VN - Tiềm lực lớn về sản xuất quốc phòng được coi là lợi thế chiến lược của Nga, có thể quyết định cục diện xung đột vũ trang với Ukraine. Còn trên thực địa, quân đội Nga đang triển khai 2 gọng kìm thép từ phía Bắc và phía Đông. Nga đồng thời áp dụng gọng kìm “tâm lý chiến” bằng việc phô trương sức mạnh răn đe hạt nhân.

Nga siết 3 gọng kìm đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm chưa từng thấy

Nga siết 3 gọng kìm đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm chưa từng thấy

VOV.VN - Tiềm lực lớn về sản xuất quốc phòng được coi là lợi thế chiến lược của Nga, có thể quyết định cục diện xung đột vũ trang với Ukraine. Còn trên thực địa, quân đội Nga đang triển khai 2 gọng kìm thép từ phía Bắc và phía Đông. Nga đồng thời áp dụng gọng kìm “tâm lý chiến” bằng việc phô trương sức mạnh răn đe hạt nhân.

Nhiều chiến binh phương Tây tử trận do hiểu sai về xung đột Nga - Ukraine
Nhiều chiến binh phương Tây tử trận do hiểu sai về xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine có sự tham chiến của những cựu binh phương Tây - nhiều người trong số họ đã tử trận do hiểu sai về cuộc xung đột này khi ảo tưởng rằng chiến đấu ở Ukraine là điều dễ dàng tương tự như các cuộc chiến khác họ từng trải qua.

Nhiều chiến binh phương Tây tử trận do hiểu sai về xung đột Nga - Ukraine

Nhiều chiến binh phương Tây tử trận do hiểu sai về xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine có sự tham chiến của những cựu binh phương Tây - nhiều người trong số họ đã tử trận do hiểu sai về cuộc xung đột này khi ảo tưởng rằng chiến đấu ở Ukraine là điều dễ dàng tương tự như các cuộc chiến khác họ từng trải qua.