Tranh chấp Anh-Argentina về Malvinas - có lặp lại kịch bản Biển Đông?

Quyết định điều tàu ngầm hạt nhân của Anh tới quần đảo Malvinas đã cho thấy những căng thẳng ngày càng tăng giữa Anh và Argentina.

Truyền thông Anh cũng xác nhận Hải quân Anh đã điều chiếc tàu ngầm Talent HMS “đáng sợ” và “chết người” tới quần đảo tranh chấp nhằm đe doạ bằng vũ lực với Argentina.

Theo PressTV, trong tuần này, chiếc tàu ngầm lớp Trafalgar đã bí mật cập một cảng ở Nam Phi, rồi từ đó sẽ khởi hành đến Malvinas, trong một động thái được coi là phô trương sức mạnh.

Chiếc tàu ngầm “thợ săn thú” được trang bị tên lửa Tomahawk, dự kiến sẽ tới Malvinas vào ngày 14/6 đánh dấu sự kiện 30 năm cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Argentina và Anh tại quần đảo Malvinas (Anh gọi là Falklands).

Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc về phi thực dân hóa cũng đặt vấn đề tranh chấp Malvinas vào ngày 14/6.

Chiếc tàu ngầm “thợ săn thú” được trang bị tên lửa Tomahawk của Anh dự kiến sẽ tới Malvinas vào ngày 14/6 (Ảnh: PressTV)
PressTV đã liên lạc với Đại sứ quán Anh ở Buenos Aires về việc điều tàu ngầm, tuy nhiên không được thông báo chính xác về mục đích của chiếc tàu này.

Nhà lập pháp Argentina Carlos Raimundi cho biết Buenos Aires sẽ không lặp lại chính sách hiếu chiến như Anh.

"Argentina không đe dọa. Chúng tôi sẽ tìm kiếm lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao, nhưng không bao giờ tăng quân sự ở Nam Đại Tây Dương ", ông Raimundi cho biết.

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Anh thảo luận về phi thực dân hóa nhưng nước này từ chối. Chính phủ của Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã tái khẳng định mục đích hòa bình để giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao.

Dẫn lời Giáo sư Klaus Dodds - bộ môn địa chính trị tại trường Royal Holloway, Đại học London, Reuters cho biết, mối quan hệ song phương Anh - Argentina đang ở mức xấu nhất kể từ năm 1982. Suốt 30 năm qua, hai nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết đề tranh chấp. Tại Hội nghị hạt nhân vừa kết thúc ở Hàn Quốc cuối tháng 3, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman đã yêu cầu Anh giải thích về việc gửi tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân tuần tra đến vùng biển Malvinas - trong động thái mà Argentina lên án là “quân sự hóa” khu vực Nam Đại Tây Dương.

Dù xung đột quân sự khó diễn ra, song căng thẳng Malvinas có thể sẽ hủy hoại kỳ vọng của Anh trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế và thương mại với các nền kinh tế đang nổi tại Mỹ Latinh. Đến nay, các nước trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) luôn ủng hộ Argentina trong tranh chấp chủ quyền với Anh tại Malvinas.

Cuối tháng 12/2011, 4 quốc gia thuộc Mercosur gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay đã ra lệnh cấm tàu thuyền mang cờ Falklands cập cảng. Các thành viên Mercosur hồi tháng 3 còn ra thông cáo phản đối hành động khai thác dầu của Anh tại Malvinas...

Dậy sóng vì “vàng đen”

Việc phát hiện dầu ngoài khơi Malvinas càng khiến cho căng thẳng giữa hai bên tăng cao, khi Argentina đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại các công ty tham gia khai thác dầu tại khu vực này. Tổng thống Cristina Fernandez lên án đây là “hành động cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Argentina”.

Những cuộc thăm dò từ 14 năm trước do hãng Shell tiến hành đã cho thấy có dầu mỏ ở ngoài khơi Malvinas. Song vào thời điểm đó, giá dầu không tới 10USD/thùng (so với 125USD/thùng hiện nay) và Shell đã chấm dứt thăm dò với lý do lợi nhuận không đủ.

Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh gần đây đã lôi kéo ít nhất 5 tập đoàn dầu lửa nước ngoài trở lại Malvinas. Trong đó, Tập đoàn Rockhopper đã lên kế hoạch khai thác khu vực này trong năm 2012 và dự kiến sẽ khai thác những thùng dầu đầu tiên ở khu mỏ Sea Lion, với trữ lượng 450 triệu thùng vào năm 2016. Còn những công ty hoạt động ở mỏ Southern Basin - nơi thực hiện các mũi khoan thăm dò đầu tiên trong năm nay - hy vọng tìm ra những mỏ với trữ lượng đến 8 tỉ thùng. Đây là một trong những lý do khiến Anh càng có động lực để giữ chặt vùng lãnh thổ hải ngoại Falklands.

Cuộc chiến Malvinas năm 1982

Quần đảo Malvinas nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách Argentina khoảng 500km và cách nước Anh đến 13.000km. Anh đã kiểm soát Malvinas từ năm 1833, bất chấp việc Argentina liên tục cung cấp bằng chứng về chủ quyền với quần đảo khi giành độc lập từ Tây Ban Nha năm 1811.

Ngày 2/4/1982, chính quyền quân sự Argentina đưa quân giành lại Malvinas. Đụng độ dữ dội nổ ra và kéo dài trong suốt 70 ngày, song quân đội Argentina buộc phải rút lui do hỏa lực quá mạnh của Anh.

Mãi đến năm 1990, quan hệ ngoại giao giữa Anh và Argentina mới được khôi phục, nhưng luôn tiềm ẩn căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp Malvinas./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên