Tưng bừng đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết này mang ý nghĩa mừng năm mới, nhận thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt.
 

Hàng năm, cứ sau Lễ Thanh minh của đồng bào Kinh, đồng bào Hoa chừng một tuần, là bà con Khmer Nam Bộ bắt đầu đón Tết Chôl Chnăm Thmây. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn là thông điệp của người sản xuất nông nghiệp về thời tiết: chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Những ngày này, về ĐBSCL - nơi có hơn 1.300 ngàn người Khmer sinh sống, đâu đâu cũng trong không khí rộn ràng, đầm ấm và sâu lắng niềm vui.

Bà con lo trang hoàng nhà cửa. Các chùa Khmer treo cờ Phật, phươl đủ sắc màu. Không khí đón Tết tại chùa càng dặt dìu hơn, bởi thanh âm của dàn nhạc ngũ âm luôn ngân lên từ mờ sáng đến tận khuya. Các bà lo nếp gói bánh tét, xay bột làm bánh gừng; chuẩn bị nồi thịt lợn kho tàu, hột vịt và nồi khổ qua (mướp đắng) hầm thịt… Các nam nữ thanh niên lo sắm sanh cho mình bộ quần áo mới, nhất là phụ nữ tìm mua bộ áo váy sa rông rực rỡ để đến chùa. Những người con ở xa, lục tục trở về quê hương, sum họp với người thân.

Ở một số nơi có đông bà con Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng, như thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Long Phú… chính quyền các cấp nơi đây tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách, các sư sãi. Dịp này, hơn 100 hộ khó khăn về nhà ở được nhận nhà mới từ Chương trình 167 của Chính phủ. Tại ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, khi nhận nhà ông Huỳnh Chuối, rưng rưng nước mắt nói: “Năm nay tôi đã 60 tuổi, luôn mong muốn có mái ấm lành lặn. Giờ đây, được Nhà nước hỗ trợ vốn, giúp con tôi học nghề có việc làm, lại hỗ trợ tiền cất căn nhà khá khang trang. Đây là năm đầu tiên, tôi cùng với gia đình đón Tết trong căn nhà mới, mừng lắm”.

Tết này mang ý nghĩa mừng năm mới

Tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh, hơn 50.000 hộ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khu dân cư được đón dòng điện lưới Quốc gia. Công trình này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng. Chỉ riêng tại tỉnh Sóc Trăng có  gần 9.000 hộ dân Khmer đã có điện sử dụng trước Tết Chôl Chnăm Thmây. Trước đó, bà con Khmer khó khăn về nhà ở vùng ĐBSCL đã được Nhà nước xây dựng hơn 8.400 ngôi nhà, đóng mới 14 chiếc ghe ngo…

Ông Thạch Phuôl, thành viên Ban trị sự chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long  -  kể cho tôi nghe: “Trước sự thay đổi của quê hương, nhiều khi tôi không theo kịp. Bởi vì so với 10 năm trước, vùng quê tôi ở đã khác nhiều. Hầu hết bà con ở nhà lụp xụp được cất nhà mới. Đường về xóm, ấp đều tráng bê tông, tráng nhựa; Trạm y tế, trường học khang trang hơn hẳn”.

Từ ngày 11 tháng 4, cùng với các đoàn cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Địa phương 3 (thuộc Uỷ ban Dân tộc), Cục Chính trị Quân khu 9… tại các địa phương có bà con Khmer sinh sống như An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, TP. Cần Thơ đều tổ chức họp mặt cán bộ, sư sãi, phân công các đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành, các nhà sư. ở những vùng đồng bào gặp khó khăn về kinh tế, chính quyền còn vận động các nhà hảo tâm mua lương thực, bánh quà tặng bà con, đảm bảo nhà nhà đón Tết cổ truyền ấm áp và vui tươi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên