Thừa Thiên Huế: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào vùng cao A Lưới

VOV.VN - Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu cùng nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Đặc biệt, vùng đất này hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Bru- Vân Kiều…

Triển khai dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, những năm qua, huyện A Lưới đặc biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào địa phương gắn phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân nơi đây. 

Trong tiết trời se lạnh, tại phiên chợ vùng cao A Lưới, tiết mục tái hiện lễ hội truyền thống của người Pa Cô thu hút đông đảo người dân và du khách. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, một du khách từ tỉnh Thái Bình vừa đến đây cảm nhận: “Tôi thấy rất vui, không khí rất rộn ràng. Tôi chưa bao giờ được hoà mình vao khung cảnh tràn ngập sắc màu lễ hội như thế này. Lễ cưới của người Pa Cô và các lễ hội ở miền Bắc khác nhau rất nhiều. Lễ hội ở đây mang nhiều phong tục tập quán khác nhau”.

Chị Lý Hương Thảo, du khách đến từ Hà Nội cho rằng: “Tôi thấy không khí ở đây mang đậm văn hoá truyền thống và rất ý nghĩa. Ít có người được trải nghiệm bầu không khí như thế này. Chúng ta nên có thêm những không gian lễ hội như thế này”.

Làng du lịch làng A Nôr, xã Hồng Kim được huyện A Lưới đầu tư xây dựng bài bản dựa trên khai thác các thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan núi rừng, suối thác và văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô. Công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối được địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp đưa nhiều đoàn khách đến A Nôr ngày một tăng. Trong các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, những dòng khách nườm nượp đến với làng du lịch sinh thái A Nôr. Tại đây, các món ăn dân dã, nghề truyền thống luôn hấp dẫn du khách. Mỗi người dân nơi đây luôn ý thức mình như là một hướng dẫn viên, một sứ giả văn hoá…

Chị Trần Thị Vỹ, thôn A Tia 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới cho hay: “Khi du khách đến tham quan làng du lịch A Nôr tôi giới thiệu những nét văn hoá của đồng bào Pa Cô. Du khách có dịp trải nghiệm một ngày làm đồng bào Pa Cô. Du khách tham gia đan lát, làm bánh a quát (bánh sừng trâu). Du khách thưởng thức các món ăn truyền thống như gà nướng, xôi nếp than, thịt heo nướng ống,… Thưởng thức các dịch vụ như xông răng, gội đầu thảo dược bên dòng suối, tham quan kiến trúc nhà sàn của đồng bào Pa Cô…”.

Năm 2020, huyện A Lưới xây dựng Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, giai đoạn 2021 - 2025.  Khoảng hơn một năm trở lại đây, huyện A Lưới tổ chức phiên chợ vùng cao vào dịp cuối tuần để phục vụ khách du lịch. Tại phiên chợ, bà con các dân tộc mang nhiều mặt hàng, sản phẩm chủ lực của địa phương, nhất là ẩm thực, nông sản, đặc sản A Lưới... ra bày bán. Phiên chợ diễn ra đông vui và nhộn nhịp nhất vào các dịp lễ, Tết. Du khách được thưởng thức nhiều đặc sản vùng cao như: thịt heo bản nướng, gà kiến, thịt heo rừng xiên lá lốt, cá suối... Các hoạt động văn hóa, lễ hội của các đồng bào ở huyện A Lưới cũng được tái hiện phục vụ du khách. Tại chợ phiên còn diễn ra nhiều hoạt động thao diễn nghề truyền thống, biểu diễn dân ca, dân vũ…

Anh Pe Prung Giáp, ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, người nhiều lần tham gia tái hiện Lễ cưới người Pa Cô cho hay: “Tôi là một người trẻ được đại diện người Pa Cô tham gia tái hiện Lễ cưới truyền thống của người Pa Cô. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, phong tục tập quán của người Pa Cô đến khách du lịch để mọi người biết đến nhiều hơn về huyện A Lưới”.

Lễ hội của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, PaHy… ở vùng cao A Lưới luôn sôi động những lời ca, điệu múa, tiếng cồng, tiếng chiêng. Đây được xem là bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Nghệ nhân khèn Hồ Pa Cô A Ting, xã Hồng Bắc, huyện miền núi cao A Lưới bộc bạch: “Cây khèn là một trong những loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô. Đặc biệt, tiếng khèn là làn điệu không thể thiếu trong ngày lễ hội, tiếp khách, Aza Koonh, cưới hỏi… Tiếng khèn không thể thiếu trong các làn điệu dân ca, dân vũ, hát giao duyên cùng hoà quyện với các nhạc cụ khác. Khèn được bảo tồn, lưu giữ từ bao đời nay, từ đời ông cha đến hiện tại và hy vọng được con cháu kế tiếp. Các làn điệu khèn được giữ gìn bản sắc, để tiếng khèn luôn luôn được vang vọng. Ở đâu vui là có tiếng khèn bè”. 

Đến nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào A Lưới như: Ariêu Caar, Ariêu Piing , Ariêu Aza được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Anh Hồ Lâm Tuấn, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới nói rằng, tại các bản làng ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, thế hệ trẻ ngày nay được tiếp nhận và truyền dạy các điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc mình nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số.

Anh Tuấn nói: “Đồng bào chúng tôi rất thích thú những làn điệu dân ca của người dân A Lưới. Mong muốn của lớp trẻ chúng tôi là được học những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới”.

Huyện A Lưới đã chủ động xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa. Địa phương xây dựng các tour giới thiệu điểm du lịch homestay tại khu du lịch sinh thái suối Pârle, khu du lịch suối nước nóng A Roàng, làng du lịch A Nôr, xã Hồng Kim huyện A Lưới. Nghệ nhân Hồ Văn Hêng, làng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới cho biết: Các tour du lịch đều giới thiệu những nét văn hóa riêng có của đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới. 

Nghệ nhân Hồ Văn Hêng nói: “Tất cả bà con từ người cao tuổi đến lớp trẻ bây giờ đều gắn bó với văn hoá truyền thống. Đặc biệt, những người cao tuổi truyền lại những nét văn hoá truyền thống của dân tộc Pa Cô và các dân tộc khác để tránh bị mai một. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Chi hội, thôn bản đều chung tay bảo tồn văn hoá các dân tộc”.

Vào các dịp lễ hội, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Văn hóa huyện A Lưới tổ chức tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào tại làng A Nôr, tại phiên chợ vùng cao A Lưới. Đó là lễ hội Aza, đám cưới truyền thống, các trò chơi dân gian leo cột, kéo co, cà kheo… Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Các hoạt động này vừa quảng bá, giới thiệu đến du khách, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào và trao truyền đến thế hệ mai sau. 

“Trong thời gian tới, dựa vào những nét đặc trung của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hoạt động văn hoá lâu nay được trao truyền, bảo tồn trong cộng đồng, chúng tôi tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hoá đặc sắc. Trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn của địa phương, chúng tôi tiếp tục tái hiện các hoạt động lễ hội. Các hoạt động văn hoá truyền thống khác, dân ca, dân vũ sẽ được đưa vào trong các hoạt động trải nghiệm của khách du lịch. Đây là một lợi thế trong việc phát triển du lịch cộng đồng hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới”, bà Thêm chia sẻ.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống các dân tộc ở huyện A Lưới góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào các dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Lê Xuân Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực và có chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã thay đổi nhiều.

Ông Hải nói: “Đời sống của đồng bào huyện A Lưới đã thay đổi rõ rệt. Các dịch vụ thiết yếu, đời sống tinh thần cũng vậy. Các làng văn hoá, các điểm vui chơi, các khu du lịch cũng bắt đầu sôi động và phục vụ cho du lịch trong tỉnh cũng như ngoại tỉnh. Bức tranh về đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay so với trước  thay đổi rất cơ bản”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thừa Thiên Huế dừng tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi
Thừa Thiên Huế dừng tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi

VOV.VN - Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế đề nghị dừng lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi, làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, thành phố Huế.

Thừa Thiên Huế dừng tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi

Thừa Thiên Huế dừng tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi

VOV.VN - Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế đề nghị dừng lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi, làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, thành phố Huế.

Thừa Thiên Huế: Nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách
Thừa Thiên Huế: Nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách

VOV.VN - Hôm nay (2/9), Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức giải đua ghe truyền thống trên sông Hương và nhiều hoạt động vui chơi khác. Dịp lễ Quốc khánh năm nay kéo dài 4 ngày, nhiều du khách đã đến Huế tham quan di tích, các điểm du lịch nổi tiếng.

Thừa Thiên Huế: Nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách

Thừa Thiên Huế: Nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách

VOV.VN - Hôm nay (2/9), Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức giải đua ghe truyền thống trên sông Hương và nhiều hoạt động vui chơi khác. Dịp lễ Quốc khánh năm nay kéo dài 4 ngày, nhiều du khách đã đến Huế tham quan di tích, các điểm du lịch nổi tiếng.

Thừa Thiên Huế: Đa dạng hoạt động bảo tàng phục vụ người dân, du khách
Thừa Thiên Huế: Đa dạng hoạt động bảo tàng phục vụ người dân, du khách

VOV.VN - Đến năm 2030, tất cả cơ sở bảo tàng ở tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân. Đây là nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.

Thừa Thiên Huế: Đa dạng hoạt động bảo tàng phục vụ người dân, du khách

Thừa Thiên Huế: Đa dạng hoạt động bảo tàng phục vụ người dân, du khách

VOV.VN - Đến năm 2030, tất cả cơ sở bảo tàng ở tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân. Đây là nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.