Trao đổi về sự việc lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là một sự việc không nên có và không được xảy ra trong nhà trường. Sự việc xảy ra đã vi phạm tất cả những điều tốt đẹp nên có trong nhà trường.

Tại trường học luôn có khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, như vậy học sinh đi học trước tiên phải có lễ nghĩa với thầy, cô giáo. Nhưng học sinh ở đây lại có hành động xúc phạm cô giáo. Hay “nhất tự vi sư bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy, nhưng học sinh lại có hành động xúc phạm cô giáo đang giảng dạy mình như vậy là không đúng. Ngược lại, cô giáo cũng có những hành động xúc phạm tập thể học sinh trái với phương châm “tất cả vì học sinh thân yêu”. Thầy cô giáo cần yêu thương học trò, có cách giáo dục học trò, thay vì thoá mạ, xúc phạm các em. Nếu người thầy có hành động như vậy là không đúng.

“Để xảy ra sự việc này trong nhà trường là hoàn toàn đáng tiếc. Trên mạng xã hội đã có những bình luận phê phán cả học trò cả cô giáo trong vụ việc này. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ việc này để tìm cách khắc phục.

Tôi cho rằng cô giáo đã không tìm hiểu được tâm tư, sự cá biệt của học sinh bởi trong số các em học sinh luôn có trường hợp cá biệt.

Nếu biết giáo dục những trường hợp học sinh này thì có thể loại bỏ được những thói hư tật xấu trong nhà trường. Trong giáo dục không thể vơ đũa một nắm, nếu dồn học sinh vào thế như vậy thì các em sẽ phản ứng mãnh liệt lại với cô giáo.

Ngay khi học sinh có những hành động không tốt, thầy cô giáo vẫn phải tìm hiểu và phối hợp với gia đình để giáo dục các em. Đặc biệt, với giáo dục đạo đức cho học sinh phải tìm hiểu đặc điểm cá biệt của từng em. Cô giáo, nhà trường phải phối hợp với gia đình để sát sao tìm hiểu nguyên nhân khiến học sinh có hành vi như vậy. Nhà trường phải đề nghị gia đình cùng giám sát, có biện pháp răn đe, giáo dục để khắc phục tình trạng như trên.

Nhân tri sơ tính bản thiện do vậy các em học sinh bản chất không hề xấu nhưng do tác động của môi trường xã hội, ảnh hưởng của bạn bè ảnh hưởng từ những luồng thông tin trên mạng... Đôi khi gia đình thiếu chăm chút, quan sát khiến các em có thể chịu những ảnh hưởng xấu. Để giáo dục cá biệt tốt giáo viên cần nắm rõ học sinh, đồng thời liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để cùng nhau phối hợp giáo dục đạo đức tốt cho học sinh”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

TS Lê Minh, Chuyên gia tâm lý, Giảng viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng cho rằng, đây là những hình ảnh phản cảm trong môi trường giáo dục. Trường, lớp luôn quy định rõ vai trò, trách nhiệm, vị trí xã hội, quan hệ ứng xử của cả giáo viên và học sinh. Theo các quy định trong Luật Giáo dục 2019 số 43/2019/QH 14 và Thông tư 06/2019/TT - BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử của người dạy và người học thì giáo viên cần “tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”, học sinh thì cần phải “Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục”. Các quy định này đều nhấn mạnh người dạy và người học cần tôn trọng nhau, sự tôn trọng của giáo viên với người học là đối xử công bằng, yêu quý học sinh; sự tôn trọng của học sinh với thầy cô là tôn sư trọng đạo, kính trọng, biết ơn thầy cô.

“Sự việc trên mạng xã hội, xuất hiện clip học sinh ném dép vào người cô giáo, đồng thời cũng có clip cô giáo cầm dép đuổi ném học sinh quanh lớp xảy ra ở một trường THCS tại Tuyên Quang trong thời gian vừa qua cho thấy sự vi phạm chuẩn mực đạo đức của cả cô giáo và học sinh. Ở đây, chúng ta thấy rõ, cả cô giáo và học sinh đều không tôn trọng nhau và có hành xử không đúng chuẩn mực”, TS tâm lý Lê Minh nhận định.

Giảng viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội vẫn khẳng định, luôn có niềm tin tích cực vào học sinh và thế hệ trẻ. Vì vậy, để xảy ra những vụ việc này, người lớn cần xem xét lại cách chúng ta giáo dục học sinh.

“Thầy cô, nhà trường sẽ là đối tượng tiên phong đầu tiên trong việc giáo dục đạo đức học sinh trong đó chú trọng dạy học sinh cách ứng xử với mọi người, cách ứng xử với thầy cô, bạn bè, cha mẹ và với cả chính bản thân mình.

Chúng ta cần giúp học sinh nhận thức rõ hành vi xấu chúng ta gây ra cho người khác là cách chúng ta đang hạ thấp nhân cách của mình. Chúng ta cần nâng cao nhân cách của học sinh bằng những ứng xử, bài học đạo đức tích cực, chân thành, có sức cảm hoá”, TS Lê Minh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, những điều này có thể nằm trong chương trình sách vở nhưng bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô cũng cần chủ động sáng tạo trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Chương trình cải cách giáo dục của Bộ GD-ĐT từ 2018 đã tăng cường tính tự chủ  trong giảng dạy, giáo dục rất nhiều cho giáo viên, nhà trường. Bởi vậy, nhà trường thầy cô cần nâng cao năng lực phát hiện những sai phạm, những hành vi chưa đúng từ đó có cơ sở phòng ngừa, giáo dục học sinh. Khi nhà trường, thầy cô thay đổi tích cực mạnh mẽ thì học sinh sẽ tiến bộ hơn, ngoan hơn.

Theo TS Lê Minh, giáo viên ngày nay đối mặt với rất nhiều áp lực trong đó có nhiều vấn đề đến từ người học, điển hình là học sinh cá biệt, học sinh chưa ngoan, không nghe lời thậm chí chống đối, thể hiện sự vô lễ với giáo viên. Thầy cô nào cũng đều ý thức được trọng trách, ứng xử tích cực đối với tất cả người học nhưng trong thực tiễn, trước những học sinh quá hiếu động, nghịch ngợm và thể hiện thái độ không coi trọng giáo viên; một số giáo viên đã không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, lúc đó các hành vi tiêu cực sẽ xuất hiện như quát mắng học sinh hoặc các hành vi bạo lực… 

Bởi vậy, mỗi thầy cô cần luôn phải ý thức cao độ về thái độ, hành vi, ứng xử của mình với học trò. Giáo viên có quyền phòng vệ chính đáng trước hành động tấn công nguy hiểm của học sinh nhưng tuyệt đối không thể chủ động quát mắng, tấn công học sinh vì các em không nghe lời, chưa ngoan hoặc ngay kể cả buông lời xúc phạm, miệt thị giáo viên…

Theo chuyên gia tâm lý Lê Minh, thầy cô cần nghiêm nghị, cứng rắn trong cử chỉ, hành vi với những học sinh này đồng thời bình tĩnh kiểm soát thái độ, cảm xúc, hành vi của mình. Thông thường, khi thầy cô bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên bảo, học sinh cũng ít có lý do để tiếp tục công kích, thể hiện sự thiếu tôn trọng. Xung đột, mâu thuẫn của giáo viên với học sinh thường gắn với những tình huống cụ thể, có tính nhất thời… Thông thường học sinh làm chủ cảm xúc, hành vi của mình kém hơn thầy cô (vì vậy, nhiều học sinh sẵn sàng chửi mắng, xúc phạm giáo viên…), còn thầy cô phải là người chủ động nắm được tình huống biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình sau đó điều chỉnh hành vi, cảm xúc của học sinh.

Một người thầy đứng trên bục giảng, tự mình phải chủ động với tất cả tình huống trong lớp học và kiểm soát tốt cảm xúc, hành vi của mình. Vì như vậy, người thầy mới quản lý được lớp học, điều chỉnh được học sinh. Trong trường học, lớp học. chỉ chấp nhận có học sinh hành xử sai, tiêu cực chứ không thể có giáo viên ứng xử tiêu cực.

“Kỹ năng kiểm soát cảm xúc rất cần đối với giáo viên. Trong quan hệ ứng xử, mọi người đi đến xung đột, bạo lực… đều do không kiểm soát được xúc cảm. Do vậy, giáo viên cũng cần chuẩn bị tâm thế, nhận thức những vấn đề tiêu cực ở học sinh như nghịch ngợm, hiếu động, không nghe lời, gây mất trật tự … để giữ một tâm thế tích cực và làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình trước học sinh. Giáo viên cần hiểu rằng, thái độ, hành vi, cảm xúc tiêu cực của mình chỉ làm cho sự việc hỗn loạn hơn; chỉ có sự bình tĩnh, thái độ ôn hoà mới giúp chúng ta sáng suốt có cách giáo dục tích cực với học sinh. Và trong nhiều trường hợp, không nên vội vàng, nôn nóng, giáo dục học sinh mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng thầy cô cần vững tin rằng, tình yêu thương, sự tôn trọng, khuyên bảo chân thành… là cách cảm hoá học sinh tích cực nhất”, TS Lê Minh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cũng cho rằng, mỗi giáo viên khi lên lớp phải đối mặt với rất nhiều tình huống sư phạm khác nhau. Không thể tránh khỏi những lúc học sinh bướng bỉnh, chưa nghe lời. Khi đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi học sinh nhất, do đó cần ưu tiên số 1 việc giữ tôn nghiêm lớp học, ở đó, các em được tôn trọng, chia sẻ và vui vẻ.  Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chú ý hơn, tham mưu cho Ban Giám hiệu khi xảy ra mâu thuẫn giữa học sinh và giáo viên bộ môn.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, giáo viên khi lên lớp là trong không gian thực, nhưng hiện nay đã bị chi phối bởi không gian mạng. Trên mạng xã hội, cô - trò - phụ huynh còn có một không gian khác, mà với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường không thể quản lý được.

Ông Tài cũng thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo theo hướng tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn và mong muốn thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước khi coi giáo dục là quốc sách hàng đầu: “Phải bắt đầu từ giáo dục, vì không ai không được trải qua và trưởng thành từ môi trường giáo dục. Vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ là căn cứ, để nhiệm vụ của ngành giáo dục được trân trọng, vị thế của giáo viên, hệ thống chuẩn mực của ngành giáo dục được lan tỏa”.

Thực hiện: Nguyễn Trang - Lê Hoàng

Thứ Tư, 05:40, 13/12/2023