Bắt giun đất bằng kích điện chưa có chế tài xử phạt

VOV.VN - Hậu quả việc kích điện để bắt giun đất đã thấy rõ, khi nhiều diện tích cây trồng héo úa và có nguy cơ mất mùa. Các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã khuyến cáo về hệ lụy của nạn kích giun đất đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Thế nhưng bắt giun đất bằng kích điện tại Lai Châu vẫn tràn lan vì chưa có chế tài xử phạt.

Kích điện giun đất chưa có chế tài xử phạt

Gia đình anh Đặng Văn Hồng, ở bản Pắc Ta, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu trồng hơn 20ha chuối để xuất khẩu. Đây là nguồn sống của hơn chục nhân khẩu trong gia đình anh và lao động làm thuê thường xuyên. Thế nhưng, vườn chuối đang xanh tốt thì đột ngột khoảng một nửa diện tích lá ngả màu úa vàng.

Anh Hồng chia sẻ, phần diện tích cây héo úa trước đó đã bị một nhóm người dân địa phương vào kích trộm giun đất. Sau khi thấy chuối có biểu hiện táp lá, anh đã mua thuốc về điều trị nhưng không được. Khi đào gốc lên kiểm tra thì thấy rễ cây thối vì bị bó đất, cây không hút được dinh dưỡng. Giờ nhìn những cây chuối mất bao công vun trồng, chăm sóc chờ ngày thu hoạch, nay bị vàng lá, hư hại, gia đình rất xót xa.

"Khoảng 10 giờ đêm, trời đang mưa tầm tã, tôi đang đi kiểm tra một vòng quanh vườn phát hiện 3 đối tượng đang kích ở trong vườn. Khi gặp các đối tượng, tôi bảo là sao lại vào trong vườn này để kích giun, các đối tượng hung hăng, tháo máy chạy, bảo là không có chế tài xử phạt. Chưa có năm nào chuối có hiện tượng chết hàng loạt như năm nay"- anh Hồng chia sẻ.

Nạn bắt trộm giun đất bằng kích điện không chỉ diễn ra tại Tân Uyên mà hiện còn lộng hành ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Chỉ vì tham lợi nhuận trước mắt mà thương lái bất chấp vi phạm pháp luật để cung cấp máy kích điện cho người dân đi kích trộm, rồi thu mua giun đất với giá cao.

Hệ lụy môi trường sản xuất nông nghiệp

Ông Lê Duy Thường, người dân ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ: "Trên địa bàn phường Đông Phong có nhiều bãi đất trống, cho nên tình trạng mà kích điện để bắt giun đất diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt là khu vực giáp ranh đồi chè. Hiện tượng này xảy ra rất thường xuyên. Khi người dân tham gia kích điện để bắt giun đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ hết môi trường sống của cây và đất. Người dân chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng có chế tài xử phạt và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc kích giun này".

Theo ghi nhận của phóng viên, bình quân 1 kg giun đất sống hiện đang được các thương lái mua ở Lai Châu với giá từ 27 - 30 nghìn đồng. Một máy kích do 2 người thực hiện từ sáng đến tối có thể bắt được từ 10 đến 15kg giun. Do có lợi nhuận cao, nhiều người dân đã sử dụng kích điện để kích giun tại vườn nhà và sau khi vườn nhà hết thì đi kích trộm ở nhiều khu vực trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Giun đất có rất nhiều lợi ích cho hệ sinh thái đất và cây trồng. Khi hoạt động, giun làm tơi xốp cho đất, giúp giữ nước trong đất tốt hơn; tạo khoảng không trong đất, giúp rễ cây tiếp xúc được với nhiều ô xy và làm phân bón tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Vì vậy, việc bắt giun đất bằng kích điện hiện nay đồng nghĩa với việc phá hoại môi trường đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

"Chúng tôi là cơ quan chuyên môn, khuyến cáo với các đối tượng này là không được phép kích giun để bán cho thương lái, nó sẽ anh hưởng đến kết cấu đất, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển cây trồng. Kích giun đất, làm cho đất không được tơi xốp, cây khó phát triển hơn. Đặc biệt là nguy hiểm cho người khi sử dụng kích điện này".

Hiện nay, nạn kích trộm giun đất tràn lan tại Lai Châu không chỉ gây bức xúc cho người nông dân, mà còn gây quan ngại cho cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài kích giun gây hủy hoại môi trường đất, việc chế biến giun đất của các thương lái cũng đang gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân xung quanh, làm cho bà con lo lắng, bất an.

Bà Đỗ Thị Thọ, ở bản Thành Công, xã San Thàng, thành phố Lai Châu bức xúc nói: "Khi họ về đây thu mua, chúng tôi không biết được tác hại của việc sấy giun. Qua quá trình, họ vận hành, làm, bà con thấy là việc sấy mổ gây mất vệ sinh môi trường. Thứ nhất là tanh, hôi; khi sấy thì mùi khét lẹt toả ra xung quanh ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi".

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, hiên trên địa bàn có hơn 150 người tham gia bắt giun đất tại các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu, với 75 máy kích điện và 25 cơ sở thu mua, chế biến giun đất. Dù đã rà soát và có số liệu cụ thể, tuy nhiên hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý dứt điểm tình trạng kích giun đất của người dân, cũng như việc thu mua, chế biến của thương lái.

Ông Đức Hồng Chính, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng, thành phố Lai Châu nói: "UBND xã phối hợp cùng với Công an, tổ công tác đi kiểm tra cơ sở, trên địa bàn hiện có 3 cơ sở thu mua. Qua kiểm tra, 3 chủ cơ sở đã cam kết không thu mua và phát máy kích giun. Sau cam kết, tổ công tác của xã sẽ tiếp tục kiểm tra lại các hộ gia đình có tiếp tục thực hiện nữa hay không; tuyên truyền các hộ dân không cho người lạ đến kích giun trên diện tích đất của gia đình".

Không có chế tài để ngăn chặn “cơn sốt” kích trộm và chế biến giun đất trên địa bàn, giải pháp hiện nay của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền ở Lai Châu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở người dân ký cam kết không kích và thu mua, chế biến giun đất. Thiết nghĩ, để ngăn chặn triệt để được thực trạng này cần có chế tài xử lý nghiêm từ các cơ quan chức năng. Từ đó, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái tự nhiên, để cây trồng giữ được điều kiện phát triển và sinh trưởng tốt nhất.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nở rộ tình trạng dùng máy điện kích giun đất ở vùng cao
Nở rộ tình trạng dùng máy điện kích giun đất ở vùng cao

VOV.VN - Tình trạng người dân dùng máy điện kích giun đất xuất hiện công khai tại nhiều địa phương ở vùng cao Lào Cai gần đây, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.

Nở rộ tình trạng dùng máy điện kích giun đất ở vùng cao

Nở rộ tình trạng dùng máy điện kích giun đất ở vùng cao

VOV.VN - Tình trạng người dân dùng máy điện kích giun đất xuất hiện công khai tại nhiều địa phương ở vùng cao Lào Cai gần đây, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.

Bắc Kạn phát hiện đối tượng bắt giun đất bằng kích điện
Bắc Kạn phát hiện đối tượng bắt giun đất bằng kích điện

VOV.VN - Qua kiểm tra, một số địa phương tại Bắc Kạn phát hiện một số đối tượng có hành vi lén lút đánh bắt giun đất bằng các loại kích điện

Bắc Kạn phát hiện đối tượng bắt giun đất bằng kích điện

Bắc Kạn phát hiện đối tượng bắt giun đất bằng kích điện

VOV.VN - Qua kiểm tra, một số địa phương tại Bắc Kạn phát hiện một số đối tượng có hành vi lén lút đánh bắt giun đất bằng các loại kích điện

Khó khăn trong xử lý việc bắt giun đất bằng kích điện
Khó khăn trong xử lý việc bắt giun đất bằng kích điện

VOV.VN - Thời gian gần đây trên địa bàn các huyện như: Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La xuất hiện tình trạng một số người dùng máy kích điện công suất lớn để bắt giun đất.

Khó khăn trong xử lý việc bắt giun đất bằng kích điện

Khó khăn trong xử lý việc bắt giun đất bằng kích điện

VOV.VN - Thời gian gần đây trên địa bàn các huyện như: Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La xuất hiện tình trạng một số người dùng máy kích điện công suất lớn để bắt giun đất.