Bình Dương giải bài toán lấn chiếm đất công ở TP Thủ Dầu Một

VOV.VN - TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang đối mặt với vấn đề lấn chiếm đất công. Hàng trăm trường hợp với diện tích lấn chiếm lên đến hàng chục ngàn mét vuông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và mỹ quan đô thị. Hiện, các phường ở TP. Thủ Dầu Một đang triển khai các giải pháp thu hồi, quản lý đất công.

 

Khó khăn trong thu hồi

Tại phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, qua thống kê có 99 hộ dân ở khu phố 5 và khu phố 8 lấn chiếm gần 32.000m2 đất công. Từ năm 2023 đến nay, địa phương đã vận động, thu hồi được 5.341m2, phần diện tích còn lại đang được đo đạc để tiếp tục thu hồi.

Để đạt được kết quả này, phường Phú Thọ đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, trao trả đất công. Nếu quá thời gian vận động mà không thực hiện, phường sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ cho biết, công tác thu hồi còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân đã lấn chiếm lâu đời. Do đó, địa phương đang tập trung thông tin, phân tích cho người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật đất đai.

 “Địa phương xây dựng lộ trình để rà soát và tiếp tục thu hồi, đối với những trường hợp thuận lợi sẽ thu hồi trước. Phần còn lại sẽ tiếp tục phân tích và có báo cáo, xin ý kiến UBND thành phố. Với chỉ đạo của thành phố địa phương sẽ thực hiện trên tinh thần không để đất công bị bao chiếm”, ông Đỗ Anh Tuấn nói.

Do nhu cầu chỗ ở ngày càng tăng cao, tại các địa phương khác trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một cũng xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, mua bán đất công bằng giấy tay. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý đất công và công tác thu hồi.

Nhằm giải quyết vấn đề này, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thu hồi, đồng thời tăng cường tuyên truyền, cắm bảng tại các khu đất công để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm.

Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào năm 2025 quy định về việc cấp phép cho trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ. Tuy nhiên, nhiều người hiểu sai quy định này nên xảy ra tình trạng mua đất bằng giấy viết tay với hy vọng được cấp sổ đỏ.

“Trong quy định của Nhà nước về pháp luật đất đai quy định rất rõ, trường hợp sử dụng đất không lấn chiếm, không vi phạm Luật Đất đai thì mới áp dụng và điều chỉnh bởi Luật đất đai 2024. Nếu trường hợp lấn chiếm, trường hợp sử dụng mà ngay từ khi bắt đầu đã có hành vi vi phạm thì chắc chắn không được điều chỉnh theo Luật. Do đó thời gian qua, có nhiều người hiểu về quy định này chưa đúng lắm”, ông Võ Chí Thành cho hay.

Xây dựng mô hình quản lý thông minh, hiệu quả

Công tác thu hồi đất công tại nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi thu hồi, việc quản lý đất công cũng là một bài toán nan giải, cần được quan tâm đúng mức.

Là địa phương đông dân cư, phường Phú Cường luôn chú trọng công tác quản lý đất công, đảm bảo sử dụng hiệu quả và tránh tình trạng lấn chiếm. Sau khi thu hồi đất, phường triển khai ngay kế hoạch xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng. Đến nay, 30 khu đất công với diện tích 16.415m2 đã được sử dụng để xây dựng hoa viên, văn phòng khu phố, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, phường Phú Cường còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý đất công hiệu quả. Phường có kế hoạch sử dụng đất công hàng năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ và người dân trong công tác giám sát. Đặc biệt, phường tăng cường kiểm tra, rà soát định kỳ các khu đất công, phối hợp với các khu phố để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn phường được ngăn chặn hiệu quả.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phú Cường chia sẻ: "Đối với cán bộ địa chính, xây dựng, các đơn vị, hàng năm sẽ phối hợp với các khu phố để rà soát toàn diện các khu đất công đang quản lí trên địa bàn. Từ đó phát hiện những trường hợp vi phạm để kịp thời xử lí. Nhờ vậy mà đến nay, trên địa bàn phường không còn trường hợp lấn chiếm đất công".

Còn tại phường Hiệp An, nơi hiện có 46 thửa đất công với tổng diện tích gần 111.000 m2. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất công, phường Hiệp An đang triển khai mô hình “Số hóa các dữ liệu về quản lý đất công trên địa bàn phường”. Đến nay, mô hình số hóa đã được áp dụng cho 6 thửa đất. Đối với các thửa đất công còn lại, phường đã trồng cây giữ đất và xây dựng hoa viên.

Ông Trần Trọng Khánh, Chủ tịch UBND phường Hiệp An cho biết, mô hình số hóa giúp người dân dễ dàng nắm bắt thông tin về tình hình quản lý đất công của địa phương, đồng thời biết rõ ranh giới các thửa đất để tránh tình trạng lấn chiếm. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quản lý đất công minh bạch và hiệu quả.

“Chúng tôi số hóa các nội dung như số tờ của bản đồ, số thửa, thể hiện hình dáng, diện tích và pháp lý của từng thửa đất. Hệ thống cũng tích hợp mã QR công bố kế hoạch sử dụng đất của phường, giúp người dân tra cứu thông tin dễ dàng. Việc số hóa dữ liệu cũng giúp cán bộ quản lý truy xuất thông tin nhanh chóng, tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý đất công hiệu quả”, ông Trần Trọng Khánh cho hay.

Việc thu hồi đất công và công tác quản lý đất công tại các phường thuộc TP. Thủ Dầu Một còn nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân để giải quyết. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên hơn, tránh dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lấn chiếm đất công có được cấp sổ đỏ?
Lấn chiếm đất công có được cấp sổ đỏ?

VOV.VN - Vẫn có một số ít những trường hợp đất lấn chiếm đất được cấp sổ đỏ vì liên quan đến những thửa đất sử dụng lâu dài.

Lấn chiếm đất công có được cấp sổ đỏ?

Lấn chiếm đất công có được cấp sổ đỏ?

VOV.VN - Vẫn có một số ít những trường hợp đất lấn chiếm đất được cấp sổ đỏ vì liên quan đến những thửa đất sử dụng lâu dài.

Buông lỏng quản lý, hàng trăm ha đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc bị lấn chiếm
Buông lỏng quản lý, hàng trăm ha đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc bị lấn chiếm

VOV.VN - UBND tỉnh Bắc Giang chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND huyện Yên Thế và công chức Địa chính - Xây dựng tại các xã liên quan qua các thời kỳ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý để 732 trường hợp hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.

Buông lỏng quản lý, hàng trăm ha đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc bị lấn chiếm

Buông lỏng quản lý, hàng trăm ha đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc bị lấn chiếm

VOV.VN - UBND tỉnh Bắc Giang chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND huyện Yên Thế và công chức Địa chính - Xây dựng tại các xã liên quan qua các thời kỳ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý để 732 trường hợp hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.

Cận cảnh hàng trăm công trình nhà xưởng lấn chiếm đất ngoài đê sông Hồng
Cận cảnh hàng trăm công trình nhà xưởng lấn chiếm đất ngoài đê sông Hồng

VOV.VN - Hàng trăm nghìn m2 đất ngoài đê sông Hồng thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội bị lấn chiếm san lấp sử dụng sai mục đích biến thành nhà xưởng, nhà cấp 4, nhà tạm tôn, tồn tại hàng chục năm nay

Cận cảnh hàng trăm công trình nhà xưởng lấn chiếm đất ngoài đê sông Hồng

Cận cảnh hàng trăm công trình nhà xưởng lấn chiếm đất ngoài đê sông Hồng

VOV.VN - Hàng trăm nghìn m2 đất ngoài đê sông Hồng thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội bị lấn chiếm san lấp sử dụng sai mục đích biến thành nhà xưởng, nhà cấp 4, nhà tạm tôn, tồn tại hàng chục năm nay