Người dân đầu nguồn ở An Giang nhọc nhằn khi lũ không về

VOV.VN - Hiện nay, đã vào mùa nước nổi, nhưng nước lũ ở thượng nguồn đổ về tỉnh An Giang rất thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân tại khu vực này, nhất là người dân sống nhờ vào mùa nước nổi càng gặp khó khăn hơn.

Mặc dù đã bước qua tháng 10, nhưng tại huyện An Phú, một địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, mực nước tại các sông, rạch vẫn ở mức rất thấp. Ông Nguyễn Văn Gàng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, chuyên sống bằng nghề chài, lưới và thu mua sản vật của người dân trong mùa nước cho biết, nguồn lợi thủy sản từ mùa nước nổi mang lại là nguồn thu nhập chính đối với nhiều hộ dân địa phương này. Nước về trễ, về ít, nên việc mưu sinh của người dân gặp nhiều khó khăn, lại ngay thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân lại càng gặp khó hơn. 

 “Trên đồng thì có nước rồi, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tại thời điểm này thì nước nó thấp hơn 30-40cm. Còn làm ăn năm nay so với năm rồi nó khó khăn quá, vì năm nay dịch bệnh đâu có cho đi tới đi lui được, làm ăn không được thuận lợi; cá cũng không bằng năm ngoái. Thứ hai, làm được con cá bán không có giá bởi lý do dịch bệnh nên các nơi họ không đến đây mua được, phải bán nội trong địa phương mình, nên cá không có giá; cá linh 50.000 đồng/kg mà năm nay còn có 30.000-35.000 đồng. Làm ăn thấy bấp bênh quá”, ông Nguyễn Văn Gàng cho biết.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện An Phú cho hay, năm nay, nước lũ về trễ và có khả năng ở mức rất thấp, nên sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn, nhất là các hộ dân sống nhờ vào mùa nước nổi. Đối với việc sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch, năm nay địa phương sẽ xả lũ lấy nước vào đồng ruộng với diện tích khoảng hơn 1.000 ha, tuy nhiên, với mực nước như hiện nay, kế hoạch này khó thực hiện. 

 “Người dân tuân thủ không xuống giống những vùng không có đê bao chắc chắn, vì không biết được nước lên lúc nào. Nếu như nước không lên thì bà con sẽ rất vất vả, mùa vụ tới cỏ rác mọc lên nhiều, thứ hai là không có phù sa… Bà con tốn chi phí nhiều trong việc dọn dẹp đồng ruộng, phân bón tốn nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng. Còn một vấn đề nữa là, nước không về thì khai thác thác nguồn lợi thủy sản không được”, ông Phạm Thành Tâm cho biết.

Xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, cũng là địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, hiện, xã có hơn 150 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm ngoài đê bao, trong đó có diện tích trồng lúa là 125 ha, còn lại là đất trồng màu. Đây cũng chính là diện tích đất được chính quyền địa phương khuyến cáo không sản xuất trong mùa lũ này. Tuy nhiên, đến nay đã qua rằm tháng 8 âm lịch nước lũ không về, nên một số hộ dân có diện tích đất gò cao đã cày, xới đất để trồng các loại hoa màu như: ớt, sắn… Trong khi đó, các hộ dân có đất trồng lúa thì vẫn để ruộng chờ lũ.

Anh Trần Văn Bình, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, hơn 10 ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đã bắt đầu đổ về các kênh, sông và một số thửa rộng thấp. Dù hiện nay mực nước thấp, nhưng anh vẫn hy vọng nước sẽ tràn đồng để lấy phù sa vào đồn ruộng.

 “Vụ 3 thì không có xạ lúa, tại vì sợ nhiều khi nước lên lại bị chuột bọ phá làm hao hụt nhiều. Đợi nước lũ lên rồi mình mới xả lũ, hợp thương đường nước rồi để đến vụ Đông - Xuân mới sạ lúa. Mình đã xới đất lên bỏ đó phơi để đợi nước lũ lên mà tới giờ này nước lũ vẫn chưa có”, anh Bình nói.

Theo ông Đặng Văn Nê, phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hiện, địa địa phương có hơn 850 ha diện tích đất nông nghiệp ngoài đê bao, thuộc 2 xã Vĩnh Xương và Phú Lộc, trong đó, diện tích trồng lúa 700 ha, diện tích còn lại là trồng màu. Địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động nông dân không nên sản xuất vụ Thu - Đông trên diện tích vùng ngoài đê này để tránh thiệt hại khi lũ về.

 “Tình hình mực nước hiện nay đối với 8 vùng bao của địa phương, với mực nước này cơ bản là không ảnh hưởng gì hết. Vùng ngoài đê bao, vừa qua có khuyến cáo bà con không xuống giống, tuy nhiên, một số diện tích đất gò ngoài đê bao vẫn còn cao, người nông dân đã tự phát để xuống giống, dân nói tự chịu trách nhiệm, nhưng với mực nước này bà con đã xuống giống rồi nhưng cũng không bị ảnh hưởng. Chủ yếu những người sống bằng nghề sinh kế trong mùa lũ, năm nay lũ nhỏ, những số hộ này sẽ rất khó khăn”, ông Đặng Văn Nê cho biết thêm.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang, dự báo năm nay lũ về muộn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất năm (đỉnh lũ) trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới báo động 1, thời gian xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10 (báo động I, tại Khánh An 4,2m; Châu Đốc 3m; Tân Châu 3,5m).

Vụ lúa Thu - Đông này, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã có kế hoạch xả lũ cho khoảng 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, để lấy phù sa vào ruộng đồng, vừa vệ sinh đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu, tuy nhiên, kế hoạch này khó thực hiện bởi hiện nay lũ về trễ, khả năng đỉnh lũ năm nay lại không cao. 

Hàng năm vào thời điểm này, người dân ở các tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, luôn chờ đón một mùa nước đẹp để thau chua, rửa phèn bồi đắp phù sa đồng ruộng và cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào… Nước lũ về tràn đồng không chỉ mang đến phù sa cho đồng ruộng, mà nó còn mang lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên đến với người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này nước thượng nguồn vẫn còn ở mức thấp, bà con vùng đầu nguồn vẫn đang hy vọng con nước sẽ tiếp tục lớn thêm để người dân nơi đây có được một mùa nước nổi như mong đợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nỗi lo khi triều cường dâng cao, lũ không về
Nỗi lo khi triều cường dâng cao, lũ không về

(VOV) -Để “ông trời” không tiếp tục nổi giận, hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay bảo vệ môi trường của tất cả mọi người dân.

Nỗi lo khi triều cường dâng cao, lũ không về

Nỗi lo khi triều cường dâng cao, lũ không về

(VOV) -Để “ông trời” không tiếp tục nổi giận, hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay bảo vệ môi trường của tất cả mọi người dân.

Không khí lạnh tràn về, cảnh báo mưa lớn, xuất hiện lũ ở miền Trung
Không khí lạnh tràn về, cảnh báo mưa lớn, xuất hiện lũ ở miền Trung

VOV.VN - Đêm nay (6/11) khối không khí lạnh tràn về nước ta sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xuất hiện lũ và nguy cơ sạt lở ở miền Trung

Không khí lạnh tràn về, cảnh báo mưa lớn, xuất hiện lũ ở miền Trung

Không khí lạnh tràn về, cảnh báo mưa lớn, xuất hiện lũ ở miền Trung

VOV.VN - Đêm nay (6/11) khối không khí lạnh tràn về nước ta sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xuất hiện lũ và nguy cơ sạt lở ở miền Trung

Hậu Giang thu hoạch diện tích cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi
Hậu Giang thu hoạch diện tích cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi

VOV.VN - Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch xong cá thả nuôi trên ruộng trong mùa nước nổi với tổng diện tích gần 5.000 ha để dọn đồng xuống giống lúa Đông xuân.

Hậu Giang thu hoạch diện tích cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi

Hậu Giang thu hoạch diện tích cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi

VOV.VN - Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch xong cá thả nuôi trên ruộng trong mùa nước nổi với tổng diện tích gần 5.000 ha để dọn đồng xuống giống lúa Đông xuân.

Người dân An Giang ngóng mùa nước nổi để mưu sinh
Người dân An Giang ngóng mùa nước nổi để mưu sinh

VOV.VN - Đã gần hết tháng 8 nhưng nhiều con sông ở khu vực này nước vẫn ở mức rất thấp, người dân nơi đây ngóng trông con nước về để có thể mưu sinh.

Người dân An Giang ngóng mùa nước nổi để mưu sinh

Người dân An Giang ngóng mùa nước nổi để mưu sinh

VOV.VN - Đã gần hết tháng 8 nhưng nhiều con sông ở khu vực này nước vẫn ở mức rất thấp, người dân nơi đây ngóng trông con nước về để có thể mưu sinh.