Sai lầm trong quan niệm về hôn nhân của đồng bào Tây Nguyên

VOV.VN - Có dòng họ cho rằng, anh em lấy nhau cũng tốt, vì của cải trao cho con cái không bị lọt ra ngoài.

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy, nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến giống nòi, chất lượng dân số cũng như sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ở tỉnh Đắk Lắk, không khó để gặp các trường hợp thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số chỉ mới 15-16 tuổi đã cưới vợ, lấy chồng; cùng với đó là việc anh chị em họ hàng con cô, con cậu, con chú bác ruột lấy nhau.

Cha mẹ những đứa trẻ này khi cưới nhau chỉ 15-16 tuổi. 
Tương lai các em cũng sẽ đi vào vết xe đổ của  cha mẹ, nếu nạn tảo hôn không bị dẹp bỏ. (ảnh: Báo Người lao động).

H'el Long Dinh (dân tộc M'nông) ở buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, năm nay vừa tròn 20 tuổi, nhưng đã lấy chồng được hơn 3 năm và có một cậu con trai 2 tuổi. Điều đáng nói là hai vợ chồng H’el là anh em con cô con cậu ruột.

Bà H’Long Long Ding, mẹ của H'el cho biết, dòng họ của bà cho rằng, anh em có thể lấy nhau cũng tốt, vì của cải trao cho con cái không bị lọt ra ngoài. "Quan niệm của ông bà chúng tôi, người trong dòng họ lấy nhau là để thừa kế tài sản, giữ cho của cải vật chất trong nhà không bị chia cho người trong dòng họ khác. Mà anh em nó thương nhau thì để nó lấy nhau thôi".

Cũng lấy chồng từ thuở 15 như H’El Long Din, năm nay 18 tuổi, Hoàng Thị Den, (dân tộc H’Mông) ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông đã một nách hai con. Đứa đầu  2 tuổi, đứa thứ 2 mới chưa đầy 7 tháng, Den phải gửi đứa con đầu cho bố mẹ đẻ trông nom  để mình có thời gian chăm sóc đứa thứ 2. Mọi việc nương rẫy hàng ngày trong gia đình đều do người chồng hơn mình một tuổi gánh vác.

Hoàng Thị Den cho biết, ở thôn NoPrông, có nhiều cô gái H’Mông cũng lấy chồng sớm như mình, và đây là điều rất bình thường:

“Hoàng Thị Den- Gặp nhau thấy thích rồi ưng thì cưới thôi.

PV: Mình có biết là khi cưới sớm thế thì nhà nước không cho phép không?

-Hoàng Thị Den- Dạ có biết, nhưng thích thì vẫn cưới thôi

PV: Mình nhỏ tuổi như vậy? khi sinh con em có sợ ảnh hưởng tới sức khỏe không?

-Hoàng Thị Den-Dạ, không".

Chỉ tính riêng ở xã Ea Nuôl, huyện Bôn Đôn thời gian qua đã có 3 cặp vợ chồng tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Theo Lãnh đạo UBND xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, ngoài hệ lụy về mặt sức khoẻ và thể chất đối với thế hệ tiếp theo, hôn nhân cận huyết thống còn gây khó khăn rất nhiều cho địa phương trong công tác quản lý, bởi các cặp này đều không đăng ký kết hôn, không khai sinh cho con cái. Khi con cái đến tuổi đi học, chính quyền giải quyết hậu quả về nhân-hộ khẩu. Trong khi đó, việc tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống lại gặp nhiều khó khăn.

Chị H’Đhim Liêng Hót, cộng tác viên dân số dân số buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, cho biết: "Đi tận nhà động viên khó khăn lắm, còn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống thì mình với chính quyền địa phương xuống can thiệp tuyên truyền nhưng họ thích họ cưới vậy thôi, chịu thua thôi biết làm sao bây giờ."

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 794 cặp tảo hôn, 5 cặp kết hôn cận huyết thống; chỉ tính riêng nửa đầu năm 2016, đã có 439 cặp tảo hôn và 8 cặp kết hôn cận huyết thống. Mặc dù Đắk Lắk đã triển khai mô hình "Can thiệp làm giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số”, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm, thậm chí còn đang tăng mạnh.

Bác sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Chi cục dân số và các Trung tâm dân số huyện, các đơn vị cơ sở tổ chức các buổi tư vấn nhóm, tư vấn hộ gia đình đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên. Cùng phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình giúp các hộ nhận thức được vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là một hệ lụy nó ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và các thế hệ mai sau".

Những đứa trẻ được sinh ra từ các cuộc hôn nhân cận huyết thống rất dễ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp các gen lặn mang bệnh. Những bệnh thường gặp phổ biến như: hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, dị dạng bẩm sinh, bạch tạng, mù mầu và đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh…

Ngành chức năng ở Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng tình trạng này vẫn còn tái diễn. Thời gian tới, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các hội đoàn thể, trong đó có cả vai trò của các chức sắc tôn giáo, để tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không còn là mối nhức nhối ở các buôn làng vùng sâu vùng xa của tỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”
Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

VOV.VN -Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Yên Bái xem ra vẫn cứ là câu chuyện dài, nói mãi, chưa đến hồi kết.

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

VOV.VN -Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Yên Bái xem ra vẫn cứ là câu chuyện dài, nói mãi, chưa đến hồi kết.

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai
Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Một cán bộ xã ở Long An đã xin nghỉ việc sau khi tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai. Con trai và con dâu của cán bộ này chưa đủ 18 tuổi.

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Một cán bộ xã ở Long An đã xin nghỉ việc sau khi tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai. Con trai và con dâu của cán bộ này chưa đủ 18 tuổi.