Triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội

Nghề công tác xã hội gồm 3 chức danh nghề nghiệp: công tác xã hội viên chính, công tác xã hội viên và nhân viên công tác xã hội

Chiều 6/9 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo thông tin về Hội nghị Triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì cuộc họp báo.

Thứ trưởng ôộ Lao động TBXH chủ trì Họp báo

Ngày 25/3/2010 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 32). Theo đó, mục tiêu chung là phát triển công tác xã hội (CTXH) trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Bộ Lao động TBXH đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH. Theo đó, viên chức CTXH bao gồm công tác xã hội viên chính, công tác xã hội viên và nhân viên công tác xã hội.

Trong năm 2010, Bộ Lao động TBXH phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số hoạt động, trong đó có: Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Đề án 32; Xây dựng Kế hoạch Triển khai Đề án 32 và kế hoạch ngân sách hàng năm thực hiện Đề án; Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2011; Ban hành và phối hợp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Quyết định 32/QĐ-TTg… Hội nghị Triển khai thực hiện Đề án 32 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9-10/9/2010 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Kế hoạch CTXH giai đoạn 2011-2015 đặt ra 7 mục tiêu đến năm 2015. Theo đó, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH trong cả nước phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cơ quan Lao động-TBXH các cấp.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án do Ngân sách Nhà nước đảm bảo là 1294,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Lao động TBXH là 497,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1.120 tỷ đồng. Vốn ODA và các nguồn viện trợ quốc tế là 65 tỷ đồng./.

Theo Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế thông qua tháng 7/2000 tại Montréal, Canada (IFSW): “Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên