Chính sách vượt trội nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển?

VOV.VN - Trong bài đầu tiên của Loạt bài “Cơ chế đặc thù nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”, VOV.VN đã phân tích những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của Đà Nẵng những năm gần đây. Vậy cơ chế đặc thù và chính sách vượt trội nào giúp thành phố Đà Nẵng tăng tốc trong thời gian tới?.

- Nghị quyết số 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Kết luận số 79 ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị đã đồng ý việc áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị và bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực đối với thành phố Đà Nẵng.

- Nghị quyết số 110 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

- Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có đủ điều kiện để tổ chức chính quyền đô thị và bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính động lực và lan tỏa.

- Từ các căn cứ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đó, việc xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

-Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt một số nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

- Trong bài đầu tiên của Loạt bài “Cơ chế đặc thù nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”, chúng tôi đã phân tích những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của Đà Nẵng những năm gần đây. Vậy cơ chế đặc thù và chính sách vượt trội nào giúp thành phố Đà Nẵng tăng tốc trong thời gian tới?. Mời quý độc giả đón xem bài 2 của loạt bài này với nhan đề: “Chính sách vượt trội nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”

Bài 2: Chính sách vượt trội nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển?

Nói về việc xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội để thành phố Đà Nẵng tăng tốc phát triển, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các các cơ chế, chính sách đặc thù mới phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, về tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược”

TS Trần Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có sự khác biệt so với các địa phương khác: “Đà Nẵng cần những cơ chế khác biệt. Khác biệt đầu tiên là phải cho họ 1 không gian mở rộng, không gian phát triển Đà Nẵng”

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng các cơ chế, chính sách mới sẽ tạo bước đột phá: “Thành phố cần tiếp tục rà soát, xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu đặc thù của địa phương”.

Ngày 21/5 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

“Việc đề xuất các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn để phát triển thành phố, thành phố, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước. Thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể; Trong đó, có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Ở nhóm chính sách tổ chức chính quyền đô thị có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đang áp dụng như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và 2 chính sách mới. 7 chính sách tương tự đó là quy định về thẩm quyền Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố; quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; quy định cơ cấu Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố; giao thẩm quyền UBND thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn của UBND quận; bổ sung chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận đối với cơ cấu UBND quận; bổ sung chức danh Trưởng Công an phường đối với cơ cấu Ủy ban nhân dân phường; thống nhất quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện; thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Hai chính sách mới được đề xuất là quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, HĐND thành phố có thầm quyền bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 01/7/2021.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, 2 chính sách mới sẽ giúp cho mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố hoạt động thông suốt hơn: “Đây là một điểm mới trong Nghị quyết lần này, tạo điều kiện hành lang pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ các văn bản ban hành trước đây mà chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.

Đối với nhóm 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng thì có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù; 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Điểm khác biệt có tính vượt trội trong nhóm cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 chính sách hoàn toàn mới được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong thời gian tới:

+ Chính sách thứ nhất là về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng;

+ Chính sách thứ hai là về thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm trung tâm logistics và trong khu thương mại tự do;

+ Chính sách thứ ba là về phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;

+ Chính sách thứ tư là về đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;

+ Chính sách thứ 5 là về cơ chế quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được đầu tư công.

Dự thảo Nghị quyết lần này tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính ngân sách… Trước đây, Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng được ngân sách thành phố đầu tư cả ngàn tỷ đồng với mục tiêu cho doanh nghiệp thuê đất, thu hút khoảng 6.000 vị trí việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thế nhưng công trình này là tài sản công nên không được cho thuê.

Mới đây, Chính phủ đã có Nghị định tháo gỡ điểm nghẽn này nhưng thành phố tiếp tục gặp vướng mắc khi các nhà đầu tư muốn thuê nơi làm việc tại Khu Công viên phần mềm số 2 phải thông qua đấu giá. Do đó, nếu chính sách đề xuất mới về đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ để hoạt động, không thông qua đấu giá tài sản.

Hay như chính sách đề xuất mới về cơ chế quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được đầu tư công, nếu được thông qua sẽ cho phép tổ chức sự nghiệp công lập được đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. Từ đó, giúp thành phố tháo gỡ điểm nghẽn kéo dài nhiều năm nay.

Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng Quốc hội sẽ sớm ban hành Nghị quyết về cơ chế vượt trội dành cho Đà Nẵng.

Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT- TGĐ Công ty DINCO, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng cho rằng, nếu Quốc hội cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới đối với cộng đồng doanh nghiệp:

“Quá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Ví dụ như là khu Thương mại tự do ra đời, nước ngoài đến đầu tư, trí tuệ vi mạch bán dẫn đến, cùng nhà đầu tư đến, chúng tôi là Công ty thiết kế và thi công, tổng thầu thì khách hàng của chúng tôi là những nhà đầu tư nước ngoài đến thì chúng tôi có nhiều lợi ích” - ông Lê Trường Kỹ kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách vượt trội, tạo động lực mới cho thành phố Đà Nẵng tăng tốc phát triển:

"Khu thương mại tự do này thúc đẩy mô hình hệ sinh thái cảng biển, logistic, công nghiệp và áp dụng mô hình truyền thống thiên về hoạt động chế xuất và mô hình đô thị kinh doanh thích hợp với các hợp đồng chế xuất các dịch vụ giá trị cao. Với quy mô, tiềm năng thì phù hợp với thành phố Đà Nẵng trong 3 khu chức năng chính là: sản xuất - hậu cần, cảng biển- logistic, thương mại - dịch vụ”

"Ngoài việc giao rất nhiều chính sách đặc thù cho địa phương thì quan trọng nhất là phải cho phép đặc thù về quy trình, thủ tục, thậm chí có thể giao cho UBND thành phố được quy định một số thủ tục hành chính” - Đại biểu Hoàng Thị Thúy (đoàn Tây Ninh) cho ý kiến.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, đây là một chủ trương lớn, có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Chính sách này mang tính đột phá, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố Đà Nẵng và của Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và của cả vùng.

“Việc thí điểm mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời có sự lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang tiến hành thảo luận, xem xét việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Trong 5 chính sách đề xuất mới thuộc nhóm chính sách thí điểm cơ chế đặc thù dành cho Đà Nẵng, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất quan tâm đến việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây chính là điểm khác biệt, có tính vượt trội, đột phá trên hành trình khẳng định vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng Trung bộ và duyên hải Trung bộ và của cả nước. Vậy mô hình Trung tâm Thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng ra sao?. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết tiếp theo.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng: Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế
Đà Nẵng: Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế

VOV.VN - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng vẫn loay hoay trong những điểm nghẽn cơ chế, chính sách.

Đà Nẵng: Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế

Đà Nẵng: Thành phố “đầu tàu” loay hoay trong điểm nghẽn cơ chế

VOV.VN - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng vẫn loay hoay trong những điểm nghẽn cơ chế, chính sách.